6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính quyết liệt, kiên định thực hiện các mục tiêu đã đề ra
Hoàn thành vượt mức khối lượng công việc lớn
Về công tác xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, theo báo cáo tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện với khối lượng công việc rất lớn, nhiều công việc yêu cầu thực hiện trong thời gian rất ngắn. Tại Kỳ họp thứ 9, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 11 dự án Luật, Nghị quyết. Đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình lập pháp năm 2025 đối với dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Luật Quản lý thuế (thay thế) và dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025); đồng thời đang xây dựng đề xuất để báo cáo Chính phủ bổ sung vào chương trình lập pháp năm 2025 đối với 08 dự án Luật.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Lũy kế đến hết tháng 6/2025, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 45 Nghị định, 01 Nghị quyết và 02 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 61 Thông tư; trong đó trong tháng 6/2025 đã trình Chính phủ ban hành 15 Nghị định, 01 Nghị quyết và ban hành theo thẩm quyền 25 Thông tư trong lĩnh vực tài chính; đến nay lũy kế còn 20 Nghị định, 01 Nghị quyết và 02 Quyết định đang trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét ban hành và 11 thông tư còn phải ban hành.
Thu NSNN 6 tháng đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán, tăng 28,3% so cùng kỳ năm 2024. Trong đó: thu nội địa đạt 1.158,4,3 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán, tăng 33,3% so cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 25 nghìn tỷ đồng, bằng 46,3% dự toán, giảm 16,7% so cùng kỳ (giá dầu thanh toán bình quân 6 tháng đạt khoảng 76,8 USD/thùng, bằng 81,9% so cùng kỳ); thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 149 nghìn tỷ đồng, bằng 63,3% dự toán, tăng 6,5% so cùng kỳ.
Chi NSNN 6 tháng đạt 1.102,1 nghìn tỷ đồng, bằng 43,2% dự toán, tăng 38,5% so cùng kỳ.
Nhờ các giải pháp quyết liệt và khả thi, sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, tiến độ giải ngân trong tháng 6 đã tăng rõ rệt, vượt cùng kỳ năm trước. Giải ngân đến hết tháng 6 là trên 268,1 nghìn tỷ đồng, đạt 32,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (28,2%), về số tuyệt đối cao hơn khoảng 80 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, tháng 6/2025 chứng kiến sự bứt phá chưa từng có của cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khí thế và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp lên cao hơn bao giờ hết. Sau đúng 02 tháng triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội được ban hành, một số chỉ số quan trọng có sự tăng trưởng mạnh như: số lượng doanh nghiệp thành lập mới (trong 6 tháng đầu năm là gần 91,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 60,51% so với cùng kỳ); số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong nửa đầu năm 2025 là trên 61,5 nghìn doanh nghiệp (tăng 57,22% so với cùng kỳ); số hộ kinh doanh thành lập mới trong tháng 6/2025 là trên 124,3 nghìn hộ kinh doanh (tăng 118,4% so với cùng kỳ).
Tích cực triển khai, hoàn thành tốt nhiệm vụ
Trong lĩnh vực Kho bạc, bà Trần Thị Huệ-Phó Giám đốc KBNN cho biết sau khi Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2020 điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý công tác, các khu vực Kho bạc Nhà nước đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự. Các khu vực đã phối hợp với các đơn vị liên quan như cơ quan thuế, ngân hàng thương mại và các tổ chức quốc gia để cập nhật danh mục liên quan cũng như thành lập các tổ chức phục vụ hoạt động thu chi ngân sách được thông suốt. Đồng thời, hướng dẫn cán bộ trong việc chuyển đổi hệ thống, bàn giao hồ sơ, tài liệu. Sau một tuần, toàn bộ hệ thống Kho bạc đã chuyển đổi hoàn tất và hoạt động thông suốt.
Về phục vụ chính quyền địa phương hai cấp, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị Kho bạc đã rà soát và ban hành một thông tư cùng văn bản hướng dẫn liên quan đến các cấp chính quyền địa phương, chủ yếu hướng dẫn hạch toán ngân sách. Hệ thống đã chỉ đạo phối hợp với các địa phương để xử lý các tồn đọng trước và sau khi sắp xếp, hướng dẫn chuyển đổi, đối chiếu số liệu và phục vụ hoạt động giao dịch sau sắp xếp. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng công khai trên mạng để kịp thời xử lý vướng mắc của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động sắp xếp và phối hợp với Vụ Kinh tế địa phương, lãnh thổ để tháo gỡ khó khăn liên quan đến Kho bạc. “Các dịch vụ công của Kho bạc cũng diễn ra thông suốt, không bị gián đoạn. Từ ngày 1/7, các hoạt động thu ngân sách tiếp tục liên tục, dịch vụ công mở để tiếp nhận hồ sơ. Đến nay, các hoạt động giao dịch của các cấp chính quyền địa phương cơ bản không có vướng mắc lớn, các vấn đề phát sinh đều được xử lý kịp thời”, bà Trần Thị Huệ nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Mai Xuân Thành - Cục trưởng Cục Thuế cho biết, thực hiện Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, đến nay đã có 13.699 hộ kinh doanh chuyển sang kê khai thuế theo đúng quy định. Trong 6 tháng đầu năm, có 1.474 hộ kinh doanh truyền thống chuyển đổi thành doanh nghiệp, trong đó riêng tháng 6 có 910 hộ, chiếm gần 2/3 tổng số hộ chuyển đổi. Về hóa đơn điện tử, tính đến ngày 30/6 đã có 47.078 hộ kinh doanh đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 125,3% so với chỉ tiêu đề ra. Dự báo đến tháng 3/2025, theo Nghị định 70, số hộ sử dụng hóa đơn điện tử sẽ đạt khoảng 37.037 hộ, nhưng thực tế triển khai đã vượt hơn 43.000 hộ. Kết quả thực hiện trên thực tế khả quan hơn dự kiến. Trong thu thuế thương mại điện tử, đến nay đã thu được 98.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Về cải cách thủ tục hành chính, theo chỉ đạo của Thứ trưởng phụ trách, ngành Thuế dự kiến sẽ cắt giảm trên 44% thủ tục hành chính, giảm 40% thời gian giải quyết và giảm 45% chi phí tuân thủ.
Tại Hội nghị cũng nghe một số ý kiến phát biểu của Lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc bộ, tập trung vào các nội dung về tổ chức, chứng khoán, pháp chế, …

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị về dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, hiện dòng vốn FDI vào Việt Nam chưa bị ảnh hưởng quá lớn bởi việc áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt hiện nay là cần định vị lại dòng vốn FDI trong bối cảnh xu thế mới.
“Đã đến lúc phải rà soát lại toàn bộ các Hiệp định, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để kiểm tra lại những gì chúng ta tiếp tục duy trì và hạn chế tiếp cận đối với mảng đầu tư nước ngoài đối với những lĩnh vực chúng ta cần phải bỏ”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Về triển khai Nghị quyết thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết Bộ Tài chính phải ban hành 2 Nghị định (Nghị định chung về Trung tâm tài chính và một Nghị định chuyên ngành liên quan về vốn). Thứ trưởng đề nghị Cục đầu tư nước ngoài sớm triển khai, báo cáo Bộ trưởng.
Đối với công tác thống kê, Thứ trưởng cho biết đến nay đã hoàn thành ban hành Nghị định phân cấp phân quyền, ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục đơn vị hành chính. Đặc biệt, đã xây dựng được bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế xã hội phục vụ đại hội đảng các cấp. “Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Cục Thống kê rất quan trọng là tổng điều tra về nông nghiệp nông thôn và sửa đổi bổ sung Luật Thống kê và xây dựng 7 Nghị định, đặc biệt là phải xây dựng kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2025 cho 34 tỉnh mới”.
Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, rà soát cắt giảm thủ tục hành chính trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Trao đổi tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề nghị trong 6 tháng cuối năm các đơn vị căn cứ vào nhiệm vụ đơn vị, kế hoạch công tác, nhiệm vụ trọng tâm Bộ trưởng giao để đảm bảo chất lượng, tiến độ. Kết quả 6 tháng về cơ bản đạt được yêu cầu, tuy nhiên cũng không được chủ quan trong 6 tháng cuối năm về thu chi ngân sách, các chính sách tài khoá khác, đặc biệt là chi ngân sách cho đầu tư phát triển. Đối với một số lĩnh vực cụ thể thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề nghị Cục Hải quan tập trung chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước phải đảm bảo việc nâng hạng thị trường năm 2025, rà soát lại những nội dung về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, trong tháng 7 tới, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề nghị cần đưa vào nhiệm vụ trọng tâm một số nội dung là Đại hội thi đua yêu nước của toàn ngành tài chính, các nội dung liên quan đến Kỷ niệm 80 năm thành lập Bộ, Đại hội Đảng bộ Bộ Tài chính mới lần thứ nhất.
Quyết tâm đảm bảo các công việc đúng tiến độ và đạt chất lượng
Phát biểu Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ghi nhận, đánh giá cao cố gắng, nỗ lực và biểu dương các Vụ, Cục, các cơ quan, đơn vị trong Bộ 6 tháng vừa qua đã hết sức cố gắng hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, công việc được giao, trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh giản bộ máy. Các nhiệm vụ Chính phủ giao rất thách thức nhưng cũng đã hoàn thành.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng vui mừng ghi nhận các kết quả nổi bật quý II đã đạt được tăng trưởng kinh tế đạt 7,96%, và tăng trưởng kinh tế của 6 tháng là 7,52%, cơ bản 6 tháng đầu năm đã hoàn thành mục tiêu đặt ra. Trong đó thu ngân sách rất cao, lạm phát kiểm soát tốt. Các công tác khác như thuế, FDI, tăng trưởng số lượng doanh nghiệp mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động… cũng có kết quả rất đáng ghi nhận. Đạt được kết quả đó có đóng góp không nhỏ của Bộ Tài chính.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lưu ý một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm, khắc phục, giải quyết như vấn đề hoàn thiện thể chế, một số nội dung công việc còn chậm so với tiến độ, … Trong khi nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất lớn, rất khó khăn.
Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ thời gian tới cần thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, đề nghị các đơn vị phải thúc đẩy tiến độ triển khai giải quyết các công việc được giao đảm bảo đúng tiến độ và đạt chất lượng.
Thứ hai, tập trung xây dựng chương trình kế hoạch triển khai quyết liệt kịp thời hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Quốc hội và Lãnh đạo chủ chốt. Đặc biệt liên quan đến một số nội dung, đề án lớn như triển khai Nghị quyết 68, Trung tâm tài chính,...
Thứ ba, về công tác công nghệ thông tin cần lưu ý việc bố trí kinh phí cho phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia phấn đấu đến 31/12/2025 phải cung cấp dịch vụ công toàn trình và hoàn hoàn thành nốt 5 cơ sở dữ liệu quốc gia hiện nay (đã hoàn thành 11/16 cơ sở dữ liệu).
Thứ tư, về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính là đầu mối tổng hợp, tham mưu Chính phủ đôn đốc tiến độ việc giải ngân vốn đầu tư công các bộ ngành, địa phương đảm bảo mục tiêu giải ngân 100%, đồng thời đảm bảo giải ngân nội ngành vượt mức tiến độ chung của cả nước.
Thứ năm, đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Tài chính như Cục QLGSCS thuế phí và lệ phí, Cục Quản lý nợ và kinh tế đối ngoại, Cục Hải quan, … phải phối hợp chặt chẽ với đoàn đàm phán Bộ Công Thương để đạt thoả thuận thuế đối ứng với Hoa Kỳ hài hoà cả hai bên.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm quy chế làm việc, không để tình trạng chậm trễ, đùn đẩy trong xử lý công việc, lấy đó làm cơ sở đánh giá chấm điểm, bình bầu thi đua và quy hoạch cán bộ./.
NT (mof.gov.vn)