Ngành Tài chính triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ

Chiến lược tài chính đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3 vừa qua, một trong những nội dung quan trọng nhất trong chiến lược ngành Tài chính đến năm 2030 là hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số.

Sớm nhận diện xu hướng

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số đang diễn ra hiện nay, Bộ Tài chính đã, đang tập trung triển khai giải pháp chuyển đổi số nhằm xây dựng Bộ Tài chính điện tử hướng tới Bộ Tài chính số, từng bước hình thành nền Tài chính số Việt Nam vững mạnh, hiện đại.

Bộ Tài chính là Bộ đầu tiên trong 22 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành văn bản định hướng về nghiên cứu, triển khai thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong ngành từ năm 2018. Cụ thể, ngày 09/3/2018 Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực Tài chính - Ngân sách. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã tập trung xây dựng, ban hành các văn bản để tổ chức triển khai đồng bộ các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính đã ban hành 09 Quyết định liên quan đến chương trình, kế hoạch của Bộ Tài chính nhằm triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ trong thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Ngày 21/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 về việc phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2030, trong đó việc đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số đã được xác định là một trong các đột phá chiến lược trong chiến lược ngành Tài chính đến năm 2030.

Nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tài chính là chủ động áp dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, thực tế ảo, tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ số tiên tiến trong triển khai tài chính điện tử hướng tới tài chính số. Xây dựng các nền tảng quản trị thông minh nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số. Xây dựng tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu mở, hệ sinh thái tài chính số, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện.

Bên cạnh đó là xây dựng hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp, công khai, minh bạch, hiệu quả, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, đảm bảo tính đồng bộ theo định hướng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số. Xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối thông tin liên thông giữa cơ quan thuế với các cơ quan quản lý Nhà nước. Ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tự động hóa một số quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra, điều tra thuế... Phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu.

Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích quốc gia. Tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh. Xây dựng hệ thống CNTT tin hải quan tập trung, tích hợp thông minh đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống, với nền tảng số, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Phát triển hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN sẵn sàng xử lý tập trung thủ tục hành chính của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Nâng cấp, phát triển hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) và các hệ thống liên quan thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS) góp phần hình thành kho bạc số vào năm 2030.

Song song với đó là đẩy mạnh và hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý nội bộ và quản lý hàng dự trữ quốc gia; tin học hóa quy trình, nghiệp vụ nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia…

Thiết lập các công nghệ nền tảng

Một trong những nội dung chủ yếu trong chuyển đổi số ngành Tài chính là để triển khai thực hiện cải cách, hiện đại hóa ngành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về tài chính. Trong đó cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn nữa cơ quan, tổ chức và người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, điều hành của Bộ Tài chính là mục tiêu xuyên suốt.

Đến nay, ngành Tài chính đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Tính đến nay, tổng số DVCTT của Bộ Tài chính triển khai là 869, trong đó DVCTT mức độ 3, 4 chiếm tỷ lệ 59,72%. Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 355/519 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 68,4% (vượt hơn 30% so với yêu cầu của Chính phủ). Năm 2020, Bộ Tài chính là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm (DTI 2020) ở khối cấp bộ cung cấp DVCTT. Bộ Tài chính cũng 8 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Index) trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số ngành Tài chính còn gắn liền với việc duy trì, phát triển các nền tảng hạ tầng, kỹ thuật công nghệ, đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin tài chính quốc gia. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các việc liên kết, chia sẻ dữ liệu trong nội và ngoại ngành Tài chính theo mô hình “chuỗi” thông tin, dữ liệu; ứng dụng tối đa các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tiến tới điều hành, hoạch định, ban hành chính sách tài chính trên cơ sở thông tin, dữ liệu được thu thập, tổng hợp có tính hệ thống theo thời gian. Hiện nay, Bộ Tài chính đã xây dựng, đưa vào vận hành trung tâm dữ liệu toàn ngành theo tiêu chuẩn Tier 3 đặt tại Hòa Lạc (dự phòng tại Tp. Hồ Chí Minh); xây dựng, duy trì hạ tầng truyền thông kết nối các đơn vị trong toàn ngành Tài chính tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (kết nối đến cấp huyện); hoàn thành triển khai 8/12 cơ sở dữ liệu thành phần thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính; xây dựng, duy trì, phát triển các hệ thống kết nối, trao đổi thông tin về NSNN, văn bản điện tử, báo cáo điện tử... giữa các đơn vị trong ngành Tài chính (có kết nối, liên thông với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, đại phương); xây dựng, vận hành hệ thống giám sát an toàn thông tin ngành Tài chính... Đây là các nền tảng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ “nền” để thúc đẩy việc triển khai chuyển đổi số trong ngành Tài chính.

Việc hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ cơ quan, tổ chức và người dân, doanh nghiệp thông qua các hoạt động ứng dụng CNTT và chuyển đổi số cũng được triển khai mạnh mẽ tại các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Đến nay, Kho bạc Nhà nước đã cơ bản hoàn thành mục tiêu “ba không” gồm không tiền mặt, không khách hàng trực tiếp giao dịch, không giấy tờ. Trong giai đoạn 2022 – 2025, KBNN đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành xây dựng Kho bạc dựa trên nền tảng dữ liệu số, hướng tới cơ bản hoàn thành xây dựng Kho bạc số vào năm 2030.

Trong lĩnh vực thuế, trên 99% doanh nghiệp trên toàn quốc đã sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử. Các kênh giao tiếp được mở rộng thêm nhằm hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi không những tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử sẽ được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia là nền tảng đầu tiên hình thành dữ liệu về thuế và góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số.

Lĩnh vực Hải quan cũng đã xây dựng Đề án tổng thể thiết kế triển khai công nghệ thông tin chuyển đổi số phục vụ triển khai cơ chế 1 cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Có thể nói, ngành Tài chính đã cơ bản xây dựng được các điều kiện cần thiết và đã đặt những “viên gạch” đầu tiên cho việc thực hiện chuyển đổi số, tiến tới hoàn thành mục tiêu “thiết lập nền tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch” vào năm 2025.

Theo Mof.gov.vn


Tin khác

Thông tin hữu ích
Thuế Nhà nước Tài chính điện tử Tủ sách lịch sử truyền thống ngành TC