Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cải cách chính sách tiền lương phải điều chỉnh cả thể chế, chính sách

E:\2017\Thang 11\Pho TT lv\Pho Thu tuong.jpg

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Đề án các giải pháp tạo nguồn thực hiện điều chỉnh chính sách tiền lương do Bộ Tài chính chủ trì thực hiện, là một trong những nội dung quan trọng trong việc xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, BHXH và người có công mà Chính phủ sẽ trình Trung ương Đảng vào năm 2018.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải đã báo cáo đoàn công tác về các giải pháp tạo nguồn thực hiện điều chỉnh chính sách tiền lương. Theo Bộ Tài chính, việc bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương những năm gần đây trở nên hết sức khó khăn và phải thực hiện tiết kiệm để có nguồn tăng lương. Do đó, cải cách tiền lương phải cân đối trong khả năng nguồn lực của nền kinh tế và nguồn lực tài chính.

Báo cáo cũng đánh giá về các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương trong giai đoạn 2003 - 2017 và các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương giai đoạn 2018 - 2020 và giai đoạn 2021- 2030.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cải cách chính sách tiền lương phải bắt đầu từ tiếp cận vấn đề, có nghĩa phải tính toán trên cơ sở “có tiền trước rồi mới tính đến các phương án lương”, vì lâu nay chúng ta hay làm ngược lại.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh đến việc cải cách từ xác định vị trí việc làm, sau đó mới tính toán đến mức lương. Về nhóm các giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, phải có giải pháp đồng bộ để tinh giản biên chế, giảm các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời với các giải pháp tăng thu, giảm chi thường xuyên, giảm bội chi ngân sách.

E:\2017\Thang 11\Pho TT lv\Bo truong.jpg

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng cần có giải pháp đồng bộ trong cải cách chính sách tiền lương

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao báo cáo của Bộ Tài chính, đồng thời cho biết, hiện nay nguồn cải cách tiền lương từ nguồn tăng thu ngân sách và tiết kiệm 10% chi thường xuyên, thì rất khó. “Tiền lương hiện nay phần cứng thấp nhưng bản chất thu nhập không thấp, tuy nhiên vẫn có một bộ phận lại rất thấp”- là thực trạng được Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, thực hiện Đề án cải cách chính sách tiền lương lần này, phải xác định đây là cuộc “cải cách về tư tưởng” của cán bộ công chức, phải giảm bớt cấp phó, đồng thời thực hành tiết kiệm triệt để như mở rộng khoán xe công…

Ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội chia sẻ với Bộ Tài chính khi cho rằng, xác định nguồn chi cải cách tiền lương cho tương lai là rất khó đối với Bộ Tài chính.

Gợi ý một số nguồn cho cải cách tiền lương, theo ông Trần Quang Chiểu, một mình Bộ Tài chính không thể xác định nguồn ngay được mà phải trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời tiến tới cải cách trong quản lý ngân sách. Điều cuối cùng mới trông vào nguồn từ tăng thu ngân sách để cải cách tiền lương.

Ở cách tiếp cận khác, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ lại cho rằng, cải cách chính sách tiền lương không phải đề án để tăng lương, mà cải cách về thể chế, chính sách, tăng cường quản lý tiền lương và thu nhập. “Phải thoát ly cách tiếp cận phải có nguồn để tăng lương, vì đất nước phải lo nhiều vấn đề lớn như nợ công, giảm bội chi, tăng chi cho đầu tư…, nên cần phải tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế và tiết giảm chi tiêu công”, ông Trần Anh Tuấn cho hay.

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, người từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ, Bộ Tài chính phải rất chắt chiu khi tìm nguồn dành cho tăng lương, do đó trong thời gian tới phải triển khai đồng bộ các giải pháp, cùng sự vào cuộc của các bộ, ngành, “vì bàn đến cải cách thì phải có tiền, không có tiền không thể cải cách được”.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, cải cách chính sách tiền lương không chỉ liên quan đến việc điều chỉnh mức lương mà phải điều chỉnh các thể chế, chính sách về tiền lương, đồng thời phải khắc phục những bất cập hiện nay như chính sách bình quân, cào bằng, không phân biệt năng suất, hiệu quả.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc chính sách tiền lương phải xác định theo chức vụ và vị trí việc làm; cơ cấu lại tiền lương để tăng cường trách nhiệm và cơ cấu lại lao động… Ông cho rằng, với hàng loạt Nghị quyết được ban hành, hiện nay là “thời điểm vàng”, “thiên thời địa lợi nhân hòa” để Chính phủ tính toán đến cải cách chính sách tiền lương cho giai đoạn từ năm 2021 trở đi./.

PV


Tin khác

Thông tin hữu ích
Thuế Nhà nước Tài chính điện tử Tủ sách lịch sử truyền thống ngành TC