Tập huấn về phương pháp lập kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm

Ngày 31/5/2018, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tập huấn cho đại diện các bộ, ngành, hiệp hội về phương pháp lập kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm, đồng thời tiếp thu, hoàn thiện sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính-NSNN 3 năm.

Hội nghị nằm trong khuôn khổ dự án Hợp phần 2, Chương trình EU-PFMO do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Alejandro Montalban, Trưởng Ban Hợp tác- Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam khẳng định “Dự án Hiện đại hóa tài chính công của EU được thiết kế nhằm hỗ trợ Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài chính, tăng cường hệ thống quản lý tài chính công và đảm bảo phù hợp hơn với hệ thống quốc tế. Dự án bắt đầu hoạt động vào thời điểm Luật NSNN sửa đổi được Quốc hội thông qua, vì thế đã kịp thời hỗ Chính phủ việc định hướng, chỉ đạo triển khai thực hiện Luật.

DSC_0108.JPG

Ông Alejandro Montalban, Trưởng Ban Hợp tác- Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam

Ông cho biết thêm, ở Việt Nam việc thực hiện phân tích vĩ mô toàn diện và đưa ra dự báo thu ngân sách, quản lý nợ hiệu quả, mối quan hệ hợp lý giữa các kế hoạch 3 năm, và hàng năm cũng như sự kết hợp thống nhất giữa kế hoạch đầu tư nhiều năm của Chính phủ ở cấp trung ương và địa phương dần dần sẽ trở thành yếu tố quyết định triển khai thành công công việc lập kế hoạch tài chính trung hạn. “Cùng với các quốc gia thành viên khác, Liên Minh Châu Âu là một trong các nhà tài trợ lớn cho Việt Nam. Trong những năm qua, chúng tôi đã tài trợ ngân sách trực tiếp để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển của Việt Nam. Và chúng tôi sẽ còn tiếp tục hỗ trợ như vậy trong tương lai. Tuy nhiên ông cũng cho rằng, hỗ trợ về ngân sách là một phương thức rất hiệu quả để triển khai hỗ trợ phát triển, bởi vì phương thức này luôn gắn liền với việc tăng cường quyền sở hữu của quốc gia nhận hỗ trợ, nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng việc quản lý tài chính công lành mạnh, vững chắc phải được coi là điều kiện tiên quyết để tồn tại và duy trì phương thức hỗ trợ ngân sách này.

Vai trò của xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn tại Việt Nam

Luật ngân sách nhà nước năm 2015 đã được Quốc hội thông qua, trong đó lần đầu tiên có quy định về việc lậpkế hoạch tài chính (KHTC) 05 năm (Điều 17) và lập kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước (KHTC-NSNN) 03 năm (Điều 43). Tuy nhiên, Luật chỉ quy định một số nguyên tắc chung và giao cho Chính phủ có hướng dẫn cụ thể.

DSC_0114.JPG

Toàn cảnh Hội nghị

Thực hiện quy định của Luật NSNN, Chính phủ đã ban hành các văn bản như: Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21/04/2017 quy định chi tiết lập KHTC 05 năm và KHTC-NSNN 03 năm; Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 23/03/2017 ban hành Quy chế lập, thẩm tra, quyết định KHTC 05 năm địa phương, KHĐTC trung hạn địa phương, KHTC-NSNN 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương (NSĐP), phê chuẩn NSĐP hàng năm;

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 07/07/2017 hướng dẫn lập KHTC 05 năm và KHTC-NSNN 03 năm.

Đánh giá về vai trò, mục đích, sự cần thiết phải lập kế hoạch tài chính – NSNN trung hạn tại Việt Nam dưới góc nhìn của các chuyên gia quốc tế, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước cho biết tại Báo cáo đánh giá chi tiêu công được công bố vào tháng 10/2017, Báo cáo đã đưa ra 68 khuyến nghị cụ thể để giúp cho Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương cân nhắc, lựa chọn những ưu tiên trong cải cách quản lý tài chính công nhằm đem lại hiệu quả cao trong thời gian tới. Trong đó đã nhấn mạnh đến các khía cạnh: Tăng cường công tác quản lý tài khóa vĩ mô, từng bước củng cố đảm bảo bền vững tài khóa; Nâng cao hiệu suất chi tiêu; Tăng cường tính minh bạch ngân sách và trách nhiệm giải trình về kết quả thực hiện. “Những khuyến nghị nêu trên, về bản chất chính là kết quả nhắm tới của việc lập kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm. Đây cũng là quy trình quản lý ngân sách hiện đại mà các quốc gia trên thế giới đều hướng tới”, ông Hưng nhấn mạnh.

DSC_0139.JPG

Ông Alejandro Montalban và ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN 
trao đổi với nhau về các nội dung liên quan bên lề Hội nghị

Trong khi đó, ông Alejandro Montalban cho rằng việc xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách được kỳ vọng sẽ giúp: Đảm bảo được những mục tiêu quản lý ngân sách cơ bản, cụ thể là kỷ luật ngân sách, hiệu quả phân bổ ngân sách và hiệu quả hoạt động; Nâng cao chất lượng của kế hoạch đầu tư công trung hạn; Tăng cường năng lực của chính quyền Trung ương và tỉnh trong lập kế hoạch chiến lược, kịp thời triển khai thực hiện những kế hoạch này. Qua đó đảm bảo việc phân bổ ngân sách phản ánh được các ưu tiên chi tiêu của Chính phủ, và đảm bảo hàng hóa và dịch vụ công được cung cấp một cách hiệu quả về chi phí.

Chất lượng một số báo cáo còn chưa cao

Đề cập đến những nội dung đã triển khai sau có các văn bản pháp lý về hướng dẫn lập KHTC 05 năm và KHTC-NSNN 03 năm, ông Hưng cho biết: Từ tháng 4/2017 trở lại đây, được sự hỗ trợ của Dự án Hợp phần 2 Chương trình EU-PFMO, Bộ Tài chính (trực tiếp là Vụ NSNN) đã tổ chức, hoặc phối hợp với một số Bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hội nghị phổ biến quy định của Luật, Nghị định và Thông tư nêu trên, trong đó cũng đã trình bày về yêu cầu, nội dung, quy trình của việc lập kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm.

Kết quả của quá trình triển khai đã được cụ thể hóa bằng việc trung ương và các địa phương đã xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm trình Quốc hội, HĐND; các Bộ, cơ quan trung ương đã xây dựng kế hoạch chi tiêu 3 năm; Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2018 – 2020 trình Quốc hội. Đây là dấu mốc rất quan trọng đánh dấu sự cải cách mạnh mẽ về quản lý tài chính-ngân sách nhà nước ở Việt Nam.

DSC_0133.JPG

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN trao đổi với các đại biểu
về một số yêu cầu và lưu ý cơ bản về KHTC-NSNN 3 năm

Tuy nhiên, ông Hưng cũng nhận định việc lập kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch TC-NSNN 3 năm ở Việt Nam là vấn đề hoàn toàn mới mẻ, cả với các cơ quan trực tiếp thực hiện như các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, cơ quan tổng hợp như Bộ Tài chính và các cơ quan thẩm tra xem xét, phê duyệt như Chính phủ, Quốc hội,... “Năm 2017, mặc dù chúng ta đã tổ chức thực hiện song chất lượng một số báo cáo còn chưa cao”, ông Hưng nói.

Vì vậy, Hội nghị tập huấn là cơ hội giúp những nhà quản lý, cán bộ làm kế hoạch tài chính - ngân sách hiểu rõ hơn về tư duy lập kế hoạch ngân sách mới, nắm chắc những thuật ngữ và thực hành các kỹ thuật chuyên môn mới, góp phần đưa quy định cải cách của Luật NSNN mới thực sự đi vào cuộc sống; đồng thời, cũng tạo cơ hội để trao đổi, hoàn thiện nội dung cuốn sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm;

 Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã cùng các chuyên gia của đơn vị tổ chức đi sâu vào khía cạnh kỹ thuật, trong đó ưu tiên cho các đơn vị dự toán cấp I, tập trung làm rõ: Các yêu cầu cơ bản và nhận diện những khó khăn, thách thức trong lập KHTC-NSNN 03 năm; Hiểu rõ các khái niệm chi tiêu cơ sở và chi tiêu mới thông qua các bài tập tình huống; Thực hành theo nhóm: xử lý các tình huống và điền mẫu biểu về chi tiêu cơ sở và chi tiêu mới, nguyên tắc ưu tiên hoá chi tiêu khi nhu cầu vượt trần chi tiêu; Đề cương của một báo cáo kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm của đơn vị dự toán cấp I.

Theo Mof.gov.vn


Tin khác

Thông tin hữu ích
Thuế Nhà nước Tài chính điện tử Tủ sách lịch sử truyền thống ngành TC