Dự trữ Quốc gia: Khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bền vững

Nguồn lực DTQG được sử dụng, phát huy hiệu quả,

luôn được Đảng, Chính phủ và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.

 

Nguồn lực dự trữ quốc gia (DTQG) được sử dụng, phát huy có hiệu quả trong hỗ trợ cho nhân dân các địa phương phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (QP-AN) trong tình hình mới; được Đảng, Chính phủ và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.

Nguồn lực DTQG luôn được sử dụng hiệu quả

Thời gian qua, các bộ, ngành đã tích cực mua sắm, nhập kho DTQG những mặt hàng tiên tiến, hiện đại, nhất là các mặt hàng an ninh, quốc phòng, đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới; các mặt hàng thuốc vắc-xin, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng, vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, chữa cháy… lượng tồn kho đủ để đáp ứng nhu cầu khi có thiên tai, dịch bệnh và bảo đảm thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” khi có sự cố xảy ra, giảm được thiệt hại về người và của, kịp thời giải quyết khó khăn trong đời sống của người dân, giúp người dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm QP-AN, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ quan hệ quốc tế.

Chỉ trong quý I-2017, tổng giá trị hàng DTQG xuất cấp cho các địa phương để cứu đói, hỗ trợ Tết Nguyên đán và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh… khoảng gần 600 tỷ đồng, chủ yếu là gạo, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng, vật tư, thiết bị cứu nạn để cứu trợ nhân dân vùng lũ.

Việc xuất cấp hàng vật tư, thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ ngư dân bám biển cũng được quan tâm. Trong thời gian từ năm 2011-2016, Tổng cục DTNN (Bộ Tài chính) đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn xuất cấp hàng vật tư, thiết bị với tổng trị giá khoảng 500 tỷ đồng gồm: Phao áo, phao tròn, phao bè, nhà bạt, xuồng cao tốc các loại, máy bơm chữa cháy. Việc hỗ trợ vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân các địa phương ven biển đã củng cố lực lượng ngư dân bám biển; góp phần bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thực hiện các nhiệm vụ khác được Thủ tướng Chính phủ giao

Bên cạnh việc thực hiện các mục tiêu của DTQG, Thủ tướng Chính phủ còn giao cho Bộ Tài chính triển khai công tác xuất cấp gạo DTQG để hỗ trợ học sinh tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ các dự án trồng rừng nhằm mục tiêu góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân. Trong những năm gần đây, toàn ngành đã xuất cấp hơn 260.000 tấn gạo, trong đó khoảng 235.000 tấn hỗ trợ học sinh, khoảng 25.000 tấn hỗ trợ trồng rừng. Tính riêng quý I-2017, DTQG đã xuất cấp 29.215 tấn gạo để hỗ trợ cho gần 490.000 học sinh nghèo của 47 tỉnh, thành phố trong học kỳ II năm học 2016-2017. 

Việc xuất cấp gạo để hỗ trợ các dự án trồng rừng tại 68 xã thuộc 4 huyện vùng cao núi đá (Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn) của tỉnh Hà Giang; huyện Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa và huyện Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang cũng đạt được kết quả cao. Chính sách hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số giúp người dân không bị đói, không chặt cây phá rừng, yên tâm trồng rừng. Việc có gạo để ăn là điều kiện thuận lợi giúp bà con phát triển vùng trồng cây dược liệu, cây đặc sản, cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm thu nhập ổn định, từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo...

Tăng cường nguồn lực cho DTQG

Đến nay, tổng mức tồn kho DTQG tăng gần 1,4 lần so với năm 2010; tuy nhiên, quy mô DTQG ngày càng có xu hướng giảm, đến hết năm 2016, tổng mức DTQG chỉ chiếm khoảng 0,20% GDP, thấp so với mục tiêu Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 đề ra (như quy định đến năm 2015, tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,8-1% GDP, năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP). Với tổng mức DTQG như hiện nay, việc chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất cấp bách về khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm QP-AN còn hạn chế, nhất là khi thiên tai, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng và những phát sinh phức tạp về bảo đảm QP-AN.

Thời gian tới, các bộ, ngành được giao nhiệm vụ bảo quản hàng DTQG cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để dự báo tình hình, chủ động rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền đề xuất nhu cầu về vật tư thiết bị để phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm QP-AN trong mọi tình huống.

Tăng cường lực lượng DTQG theo hướng tập trung vào mua sắm những mặt hàng chiến lược, tiên tiến, hiện đại, có tính năng, kỹ thuật cao, bảo đảm đủ số lượng, bố trí trên các địa bàn chiến lược, các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh để sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ được giao...

 

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân


Tin khác

Thông tin hữu ích
Thuế Nhà nước Tài chính điện tử Tủ sách lịch sử truyền thống ngành TC