Dự trữ Quốc gia: Sẵn sàng, chủ động trong mọi tình huống

Những năm vừa qua, được sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ, tiềm lực dự trữ quốc gia (DTQG) ngày càng được tăng cường và củng cố, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, trang thiết bị phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn nên khi có sự cố xảy ra, các địa phương đều được hỗ trợ kịp thời, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng kiểm tra chất lượng xe

trinh sát hóa học tại điểm kho do Bộ Quốc phòng quản lý 

 

 

Đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời gian qua, tình hình thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn,… ở nước ta đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất ác liệt. Bên cạnh đó, các loại bệnh dịch cũng diễn ra ngày càng nhiều; tác động mặt trái trong quá trình phát triển kinh tế (ô nhiễm môi trường, nạn phá rừng...) đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất và đời sống của người dân.

Trước những khó khăn, thách thức ngày càng lớn như trên, công tác xuất cấp hàng DTQG có vai trò rất quan trọng. Việc kịp thời cung cấp đầy đủ lương thực, vật tư nông nghiệp, thuốc men, con giống… cho người dân tại các địa phương đã giúp hạn chế những thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến mọi mặt đời sống của người dân, đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Từ năm 2011 đến nay, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành DTQG đã coi việc làm tốt công tác xuất cấp hàng DTQG vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu phấn đấu của ngành, trong giai đoạn này, đã xuất cấp khoảng 8.000 tỷ đồng hàng DTQG để phục vụ các nhiệm vụ trên, cụ thể:

Về đảm bảo an ninh, quốc phòng, trong giai đoạn 2011-2016, đã xuất cấp để thực hiện nhiệm vụ, bằng khoảng 1/3 so với dự toán bố trí mua tăng cho an ninh, quốc phòng giai đoạn này. Cơ bản góp phần đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội trong nước.

Về cứu trợ, hỗ trợ cho nhân dân để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, trong giai đoạn 2011-2016, đã xuất cấp trên 300.000 tấn gạo, trị giá khoảng 2.850 tỷ đồng; xuất cấp trên 1.110 tỷ đồng các mặt hàng phục vụ nông nghiệp (thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng, hạt giống bông) và xuất cấp khoảng 22 tỷ đồng các mặt hàng thuốc và các trang thiết bị y tế để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và phòng trừ dịch bệnh cho người.

Việc xuất cấp hàng vật tư, thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, về cơ bản ngành dự trữ đáp ứng được mục tiêu về phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn cho các địa phương

Ngoài việc xuất cấp hàng để thực hiện các mục tiêu của DTQG đã đề ra, giai đoạn này, Thủ tướng Chính phủ còn giao cho ngành DTQG xuất cấp các mặt hàng để phục vụ nhiệm vụ hỗ trợ học sinh tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ các dự án trồng rừng tại Hà Giang, Thanh Hóa và Bắc Giang; đến hết năm 2016, đã xuất cấp trên 260.000 tấn gạo, tổng giá trị khoảng 2.450 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ học sinh khoảng 235.000 tấn, hỗ trợ trồng rừng khoảng 250.000 tấn.

Trong 3 tháng đầu năm 2017, ngành DTNN cũng đã xuất cấp hàng DTQG cho các địa phương để cứu đói, hỗ trợ Tết Nguyên đán và phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tổng giá trị hàng đã xuất cấp khoảng 576 tỷ đồng. Các mặt hàng đã xuất cấp luôn đảm bảo về số lượng, chất lượng và phân bổ đúng đối tượng; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ cho đồng bào.

 

 

 

Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng kiểm tra

các mặt hàng dự trữ do Bộ Quốc phòng quản lý

 

Cần tăng cường tiềm lực cho DTQG

Nhìn chung, mức DTQG về lương thực, muối ăn, hàng vật tư, thiết bị cứu hộ cứu nạn, các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, vắc xin, thuốc thú y cơ bản đáp ứng yêu cầu xuất cấp hỗ trợ cứu đói, xuất hỗ trợ học sinh, các dự án trồng rừng và xuất cấp phòng trừ dịch bệnh thời gian qua. Tuy nhiên, mức tồn kho những mặt hàng thiết yếu vẫn còn mỏng, mới đáp ứng được nhiệm vụ trước mắt. Nếu xảy ra trường hợp thiên tai, dịch bệnh diện rộng, phức tạp thì khó có khả năng đáp ứng yêu cầu...

Thực tế cho thấy, so với GDP thì mức đầu tư cho DTQG trong những năm qua chưa đạt được yêu cầu kế hoạch. Cụ thể, tổng mức đầu tư cho DTQG thời gian qua có xu hướng giảm (năm 2012 chiếm khoảng 0,28% GDP; năm 2013 đạt khoảng 0,24% GDP; năm 2014 đạt khoảng 0,23% GDP; năm 2015 khoảng 0,21% GDP thì tổng mức DTQG năm 2016 chỉ đạt 0,20 % GDP). Tỉ lệ này là rất thấp so với mục tiêu Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 đã đề ra (mục tiêu đến năm 2020 đạt 1,5%).

Do vậy, để đáp ứng được nhu cầu lâu dài, trong thời gian tới rất cần các cấp có thẩm quyền quan tâm bố trí tăng cường tiềm lực cho DTQG, đặc biệt cần phải đầu tư cho các mặt hàng dự trữ thiết yếu phục vụ nhiệm vụ phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, hàng an ninh, quốc phòng, bảo vệ biên giới, biển đảo để sẵn sàng, chủ động đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG cần phối hợp chặt chẽ với địa phương thẩm tra chính xác nhu cầu hàng dự trữ quốc gia cần hỗ trợ, trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp, đảm bảo việc sử dụng hàng dự trữ quốc gia đúng mục đích và hiệu quả.

Đặc biệt, cần phát huy sức mạnh đoàn kết tập thể, tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ xuất cấp hàng DTQG cho các địa phương theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc phân phối sử dụng hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho nhân dân bảo đảm hiệu quả, đúng đối tượng.

Các cơ quan quản lý hàng dự trữ thường xuyên tổng kết, đánh giá hiệu quả đối việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia; trên cơ sở nghiên cứu kỹ cơ chế chính sách hiện hành và kinh nghiệm thực tế của các đơn vị đã triển khai, khẩn trương tiếp cận và phối hợp chặt chẽ cùng các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn nắm bắt nhu cầu, các chương trình mục tiêu để xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định Nhà nước hiện hành./.

 

                   Nguồn: Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ

 


Tin khác

Thông tin hữu ích
Thuế Nhà nước Tài chính điện tử Tủ sách lịch sử truyền thống ngành TC