Kỷ niệm 3 năm thành lập Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ (01.10.2012 - 01.10.2015): Thành công từ gian khó

Không để việc chờ người

Cách đây 3 năm, ngày 01/10/2012, Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ được thành lập. Lúc ấy, cơ sở vật chất đầu tiên của Cục thiếu đủ thứ khi văn phòng làm việc phải đi thuê, tiếp nhận hệ thống kho tàng, cơ sở vật chất đều được xây dựng từ những năm của thập kỷ 80, đến nay đã xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác bảo quản vật tư hàng hóa DTQG…

Đặc biệt, khó khăn hơn cả là công tác cán bộ. Ban đầu, bộ máy làm việc của Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ được hình thành từ các Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên, thành phố Hồ Chí Minh và Tây Nam Bộ chuyển đến, khác nhau về văn hóa vùng, miền mới làm quen với công việc, còn nhiều bỡ ngỡ,  một số cán bộ công chức mới được tuyển dụng từ đơn vị cũ trong Ngành chuyển về Cục chưa có kinh nghiệm đã phải thực hiện ngay nhiệm vụ chuyên môn, nên còn túng túng trong xử lý công việc. Vì vậy, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí và sắp xếp nhân sự cho các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Cục.

Đến thời điểm này, cán bộ công chức vẫn còn thiếu hụt rất lớn ở các phòng nghiệp vụ (có phòng chỉ có 1 cán bộ), bao gồm cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ nghiệp vụ. Những thiếu hụt này làm cho đơn vị khó khăn hơn về bố trí, thay thế khi cán bộ đi công tác, học tập, bồi dưỡng.

Chia sẻ với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Lương Văn Cát, Cục trưởng Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ cho biết: “Đúng là khi được thành lập, Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu nhân sự- không phải ở buổi đầu mà kéo dài đến tận bây giờ thậm chí cả trong thời gian tới khi chủ trương của Ngành thực hiện tinh giản biên chế, tạm dừng công tác tuyển dụng, mà việc liên hệ để tiếp nhận điều động nhân sự là CBCC trong và ngoài Ngành đến công tác tại đơn vị lại chẳng dễ dàng chút nào.

Đơn vị có bấy nhiêu người thôi, vì vậy mỗi người phải kiêm thêm việc, làm thêm giờ nếu việc chưa hoàn thành, với phương châm là “không để việc chờ người”. Lãnh đạo Cục phải trực tiếp, sâu sát thực tế, động viên CBCC phối hợp giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao”.

 

Tập thể Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ

 

Đi đến những thành công mới

Ngay từ năm đầu thực hiện nhiệm vụ, năm 2013, đơn vị đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu về xuất, nhập hàng dự trữ như lương thực, thiết bị vật tư cứu hộ, cứu nạn theo kế hoạch của Tổng cục DTNN giao. Trong điều kiện điểm kho nhập, xuất lương thực xa nguồn cung cấp thóc gạo, đường đi vận chuyển khó khăn, đội ngũ cán bộ công chức chuyên môn của đơn vị còn thiếu, nhưng đơn vị đã thực hiện một cách khẩn trương, luôn bám sát các văn bản quy định, hướng dẫn của Nhà nước, của ngành và tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan cấp trên. Ban lãnh đạo cùng các phòng nghiệp vụ đã phân công chỉ đạo, đôn đốc Chi cục đẩy nhanh tiến độ nhập, xuất hàng, giải quyết kịp thời ngay các vướng mắc phát sinh khi đang thực hiện, uốn nắn các sai sót không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, đảm bảo an toàn tài sản, hàng hóa DTQG, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí.

Đến năm 2014, đơn vị tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2013 để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cục đã  hoàn thành việc mua 4.000 tấn gạo nhập kho DTQG; đồng thời xuất bán 2.531.820kg gạo vụ đông xuân năm 2013 và triển khai công tác xuất gạo hỗ trợ cho học sinh theo Quyết định số 36 của Thủ tướng Chính phủ, xuất gạo hỗ trợ người dân di cư từ Campuchia về Việt Nam gặp khó khăn về đời sống và triển khai xuất, nhập vật tư cứu hộ, cứu nạn theo kế hoạch của Tổng cục giao. Nhất là, khi thực hiện nhiệm vụ đấu thầu mua 4.000 tấn gạo, đơn vị đã tuân thủ chặt chẽ quy trình đấu thầu và đã tiết kiệm làm lợi cho Ngân sách Nhà nước và nguồn vốn của Ngành trên 589 triệu đồng, giữa giá trúng thầu so với giá xét thầu.

Cùng với đó, các công tác chuyên môn khác như  công tác kỹ thuật bảo quản luôn được đơn vị quan tâm và thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng, tổ chức việc kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa vật tư, quản lý tốt các trang thiết bị, dụng cụ bảo quản, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công tác bảo quản hàng hóa…; công tác đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính kế toán, công nghệ thông tin… luôn được đơn vị triển khai theo đúng quy định của nhà nước.

Khi chúng tôi hỏi về bí quyết làm thế nào để đơn vị làm tốt công tác tổ chức cán bộ trong những điều kiện khó khăn như thế? Ông Lương Văn Cát lý giải: “Cũng vì lãnh đạo đơn vị đã làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ công chức trong toàn đơn vị,  trong mọi hoạt động đều phải công khai minh bạch theo đúng quy định ngay từ đầu”. Tuy số lượng cán bộ rất thiếu với cả núi công việc nhưng ban lãnh đạo Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ đã thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp công việc phù hợp với năng lực chuyên môn cũng như trình độ đào tạo của cán bộ công chức, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ công chức trong đơn vị phát huy năng lực, hiệu quả công tác trong từng công việc được giao. Cùng với đó, Cục thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, sắp xếp hợp lý, kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức trong đơn vị; Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng biên chế và kinh phí quản l‎ý hành chính.

Các chế độ chính sách cho CBCC cũng được đơn vị quan tâm, thực hiện đầy đủ, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Nhất là, đối với công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí nhưng đơn vị vẫn quan tâm tạo điều kiện về thời gian cũng như kinh phí để cán bộ công chức được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN cũng như tại địa phương tổ chức. Các cán bộ công chức được cử đi học đúng thành phần, đúng đối tượng, nghiệp vụ chuyên môn đang đảm nhiệm; giúp cho CBCC được trang bị kiến thức, kỹ năng, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị; đảm bảo các tiêu chuẩn quy định đối với công chức hành chính.

“Là đơn vị mới thành lập, còn nhiều khó khăn bộn bề; yêu cầu đặt ra cho đơn vị là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có cách nào khác là phải khắc phục mọi khó khăn và phải xây dựng đơn vị ổn định và tiến lên phía trước”- Cục trưởng Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ chia sẻ. Chắc chắn rằng, bằng tất cả niềm say mê và sự dấn thân vì công việc như thế, ở chặng đường tới, cùng với Chi cục dự trữ Nhà nước Miền Đông, khi Cục có thêm Chi cục dự trữ Nhà nước Tây Ninh chính thức đi vào hoạt động và tiếp theo sẽ là Chi cục dự trữ Nhà nước Bình Dương, thì dù còn khó khăn về con người nhưng đơn vị luôn tiếp tục đi đến những thành công mới./.

 

Hồng Sâm - Thời báo Tài chính VN


Tin khác

Thông tin hữu ích
Thuế Nhà nước Tài chính điện tử Tủ sách lịch sử truyền thống ngành TC