Ngành Dự trữ Nhà nước: Chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão

 

Dự trữ Quốc gia đã thể hiện vài trò rất tốt

Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 vừa được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam như lời một bài hát là "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa".

Chỉ tính riêng năm 2016, thiên tai xảy ra ở nhiều địa phương, với các đợt rét đậm, rét hại ở miền núi phía Bắc, lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung, khô hạn ở Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long... Cùng với thiên tai, các loại bệnh dịch cũng diễn ra ngày càng nhiều, trên phạm vi rộng và diễn biến theo chiều hướng phức tạp… đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất và đời sống của dân cư. 

"Trong bối cảnh thiên tai nặng nề như vậy, nhưng chúng ta không để người dân nào đói cơm, lạt muối, màn trời chiếu đất, đứt bữa xảy ra trên các vùng miền Tổ quốc"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh như vậy.

Để đạt được kết quả trên, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) đóng vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng kịp thời các nguồn lực, cả về tiền và cả hàng Dự trữ Quốc gia để các địa phương làm tốt công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Có thể nói, việc người đứng đầu Chính phủ phát biểu như trên vừa khẳng định vai trò của Dự trữ Quốc gia trong đời sống kinh tế - xã hội; đồng thời là sự ghi nhận công sức đóng góp của toàn thể cán bộ, công chức ngành Tài chính nói chung và cán bộ công chức, người lao động ngành Dự trữ Nhà nước nói riêng cho công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong suốt thời gian qua và đặc biệt năm 2016.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng kiểm tra chất lượng

hàng dự trữ quốc gia tại điểm kho do Bộ Quốc phòng quản lý

 

Chia sẻ về công tác phối kết hợp với các địa phương trong công tác phòng chống thiên tai, lụt bão, hỗ trợ kịp thời nhân dân, Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng cho biết: "Với chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao và yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Dự trữ Quốc gia, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) cơ quan quản lý chuyên trách đã phối kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương ngay từ khâu dự báo tình hình, chuẩn bị phương án ứng phó sự cố thiên tai để bố trí nguồn hàng Dự trữ Quốc gia; khi có tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra, đã kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý tình huống, nhanh chóng xuất cấp, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ, cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, khống chế dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Toàn bộ số hàng Dự trữ Quốc gia khi xuất cấp cứu trợ được tổ chức vận chuyển, giao cho địa phương đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, phân bổ đúng đối tượng, vừa tích cực làm tốt công tác phòng chóng thiên tai, đáp ứng yêu cầu "4 tại chỗ", vừa góp phần giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, vượt qua khó khăn sau lũ lụt, dịch bệnh, những ngày giáp hạt, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống của nhân dân".  

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng cũng cho biết, trong thời gian qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực đóng trên khắp các vùng, miền cả đất nước xác định nhiệm vụ dự trữ đủ nguồn hàng để phục vụ yêu cầu phòng chống lụt bão, thiên tai; trước hết là bảo đảm an toàn tuyệt đối người, tài sản, hàng hóa, kho tàng của ngành là trách nhiệm của người đứng đầu, (đồng chí Cục trưởng đối với cấp Cục và Chi cục trưởng đối với cấp Chi Cục) phải tổ chức triển khai tốt việc này; phải luôn chủ động, tìm mọi biện pháp và huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống lụt bão, thiên tai,

Tại các khu vực, các vùng kinh tế trọng điểm, các Cục Dự trữ Nhà nước đã xây dựng được phương án phòng chống lụt bão, thiên tai, trong đó nói rõ việc huy động nhân lực, việc chuẩn bị phương tiện và đặc biệt là xây dựng kịch bản, phương án công tác phối kết hợp với các cơ quan chức năng của địa phương như lực lượng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của địa phương; các Sở ban ngành của địa phương…

 

Trong bối cảnh thiên tai nặng nề, nhưng chúng ta không để người dân nào đói cơm,

lạt muối, màn trời chiếu đất, đứt bữa xảy ra trên các vùng miền Tổ quốc

 

Các đồng chí Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình trên từng địa bàn để có kế hoạch chuẩn bị, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống, cứu trợ; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn nhằm đảm bảo sẵn sàng xuất cấp ngay hàng Dự trữ Quốc gia khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong mọi tình huống.

Việc này được thực hiện thường xuyên thông qua trao đổi, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể, quần chúng nhân dân địa phương trên địa bàn nơi có hệ thống kho tàng và trụ sở của các đơn vị Dự trữ Quốc gia đóng để phối hợp và xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó, phối hợp khi có tình huống mưa, bão xảy ra trên địa bàn.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Để hoạt động Dự trữ Quốc gia phục vụ tốt, đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong việc phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng cho rằng, sự phối hợp của các cơ quan ban ngành và các địa phương là rất quan trọng.

Trước hết cần dự báo được tình hình biến đổi khí hậu và tình hình thời tiết năm 2017, với phương châm phòng ngừa là chính, để có phương án đảm bảo an toàn cho người, tài sản, hàng hóa, kho tàng của ngành DTQG.

Trong trường hơp thiên tai, lũ lụt xảy ra, bên cạnh nguồn lực tại chỗ và nguồn lực từ nguồn DTQG, cần xây dựng cơ chế huy động nguồn lực theo hướng xã hội hóa các công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai để huy động nguồn lực ngoài ngân sách tham gia. Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) sẽ tham mưu cho Chính phủ thực hiện quy trình hỗ trợ thiệt hại sau thiên tai đáp ứng yêu cầu khẩn trương, nhanh chóng ổn định đời sống sản xuất.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước)  đã ban hành quyết định, hướng dẫn các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực trong việc giao nhận hàng, chuẩn bị đầy đủ số lượng hàng, kiểm tra chất lượng hàng, bố trí nhân lực bốc xếp và phương tiện vận chuyển, đảm bảo việc xuât hàng Dự trữ Quốc gia được nhanh chóng và kịp thời.

Các cơ quan được Ủy ban nhân dân tỉnh phân công làm đầu mối tiếp nhận, cần kịp thời và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kế hoạch xuất cấp vật tư hàng hóa để cứu trợ, cứu hộ cứu nạn. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và các Chi cục DTNN được giao nhiệm vụ xuất cấp hàng, thống nhất thời gian, địa điểm giao nhận hàng, bố trí lực lượng, phương tiện để thực hiện việc tiếp nhận hàng, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và tạo mọi điều kiện cho đơn vị bên giao, bên nhận trong thời gian nhanh nhất.

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng cho biết, với các địa phương (huyện, thị xã, thành phố...) nhận hàng Dự trữ Quốc gia đã có trách nhiệm trong việc tiếp nhận và quản lý toàn bộ hàng dự trữ quốc gia cả về số lượng, chất lượng và giá trị; phân bổ kịp thời cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân được nhận hàng cứu trợ, hỗ trợ theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Đối với việc quản lý hàng Dự trữ Quốc gia sau khi được tiếp nhận, công tác kiểm tra việc phân phối, quản lý và sử dụng hàng Dự trữ Quốc gia được các Cục DTNN khu vực phối hợp với các Sở, ngành và địa phương có liên quan để thực hiện theo thẩm quyền nhằm đảm bảo số lượng hàng cứu trợ được phân bổ đúng người, đúng đối tượng, đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng kịp thời cứu đói, cứu hộ cứu nạn đối với nhân dân”, Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng nhấn mạnh./.

 

 

Hồng Sâm (Nguồn: Trang TTĐT Ban Kinh tế Trung ương


Tin khác

Thông tin hữu ích
Thuế Nhà nước Tài chính điện tử Tủ sách lịch sử truyền thống ngành TC