Tăng cường Dự trữ ngành An ninh đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới
“Những năm qua, mặc dù trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Tài chính đã quan tâm, đầu tư ngân sách cho Bộ Công an để mua sắm những phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ chuyên dùng, đặc chủng, đáp ứng yêu cầu chiến đấu cũng như dự trữ chiến lược, kịp thời xuất dùng phục vụ nhiệm vụ đột xuất, đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội” - Đại tá Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Cục trưởng Cục Tài chính, Bộ Công an đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Thị Kim Dung
Phó cục trưởng Cục Tài chính, Bộ Công an
PV: Bà đánh giá như thế nào về sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ Công an trong lĩnh vực Dự trữ quốc gia (DTQG) thời gian qua?
Đại tá Nguyễn Thị Kim Dung: Có thể nói thời gian qua, sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng của Bộ Công an với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác DTQG rất nhịp nhàng, từ việc xây dựng kế hoạch dự trữ hàng năm, trung hạn, dài hạn trên cơ sở xác định nhu cầu của lực lượng công an đến tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu và công tác quản lý, sử dụng các nguồn trang thiết bị…
Cụ thể, Cục Quản lý trang bị và trang cấp thuộc Tổng cục Hậu cần - kỹ thuật, Bộ Công an phối hợp rất chặt chẽ với Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN). Các trang thiết bị được đưa vào kế hoạch mua sắm và nhập kho dự trữ đều có sự tham gia, phối hợp của Tổng cục DTNN để đánh giá nhu cầu, tính năng tác dụng, qua đó phát huy được hiệu quả cao nhất khi đưa vào sử dụng trong những tình huống cần thiết.
Trong công tác quản lý, bảo quản, cấp phát, chúng tôi đều có thông tin, trao đổi, phối hợp thường xuyên với Tổng cục DTNN để kiểm tra, giám sát việc quản lý, bảo dưỡng và sử dụng hàng hóa… Nhờ đó, hàng DTQG giao cho Bộ Công an được quản lý rất chặt chẽ, được bố trí theo các khu vực, các địa bàn trọng điểm để làm sao khi có yêu cầu tác chiến là có thể xuất hàng được nhanh và tiết kiệm nhất.
Việc đánh giá tổng kết hàng năm về công tác DTQG cũng được 2 bên thường xuyên tổ chức họp rút kinh nghiệm, đánh giá ưu, nhược điểm, qua đó có những kiến nghị để báo cáo với Chính phủ, làm sao các trang thiết bị được sử dụng có hiệu quả nhất, nhanh chóng đáp ứng ngay các yêu cầu chiến đấu.
Hiện nay nguồn lực DTQG giao cho Bộ Công an là những mặt hàng đặc chủng, tiên tiến, hiện đại, tính năng tác dụng cao. Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng chủ trương của Nhà nước, nhất là tham mưu của Tổng cục DTNN về lĩnh vực này hết sức đúng đắn và hiệu quả.
PV: Bên cạnh kết quả đạt được, việc quản lý đối với hàng DTQG của Bộ Công an trong thời gian qua có gặp khó khăn gì không, thưa bà?
Đại tá Nguyễn Thị Kim Dung: Những năm qua, việc quản lý hàng DTQG ngành An ninh đã được thực hiện theo đúng Nghị định 94/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật DTQG; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phát triển kinh tế xã hội và của Bộ trưởng Bộ Công an. Công tác tổ chức mua sắm được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, các văn bản hướng dẫn của Nhà nước và của Bộ Công an về mua sắm hàng hóa, tài sản.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn vướng mắc như chỉ tiêu DTQG ngành An ninh hàng năm của Bộ Công an được giao chưa đáp ứng yêu cầu dự trữ chiến lược; danh mục hàng DTQG chủ yếu là hàng hóa trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu nên thời gian khảo sát và triển khai thực hiện kéo dài dẫn đến việc giải ngân thường dồn vào cuối năm.
Ngoài ra, hệ thống kho DTQG ngành An ninh còn thiếu, một số cơ sở kho dự trữ đã bị xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn bảo quản hàng DTQG.
PV: Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được cũng như khắc phục những khó khăn, bà có đề xuất gì không?
Đại tá Nguyễn Thị Kim Dung: Trong thời gian qua, những thiết bị, phương tiện đã được xuất cấp, xuất giảm được ưu tiên trang bị cho những đơn vị chiến đấu tại những địa bàn trọng điểm, những điểm nóng về an ninh trật tự, qua đó đã hỗ trợ rất hiệu quả cho công tác đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an nhân dân trong năm 2017 và những năm tiếp theo, sớm có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao danh mục mua tăng, xuất giảm hàng DTQG năm 2017 để Bộ Công an sớm triển khai thực hiện; đối với một số hàng dự trữ đã lâu, nhất là các thiết bị điện tử thì đề nghị cần cho phép xuất giảm để phát huy hiệu quả sử dụng trang thiết bị, tránh lãng phí.
Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư kinh phí tăng cường dự trữ ngành An ninh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, đề nghị bố trí kinh phí bảo quản hàng DTQG tương ứng với lượng hàng dự trữ thực tế của Bộ Công an. Đồng thời, trang bị một số vật tư cứu nạn như: Xuồng cho cảnh sát giao thông thủy, máy bơm chữa cháy cho cảnh sát PCCC..., bên cạnh việc cấp phát các vật tư, thiết bị cứu hộ cứu nạn từ nguồn DTQG cho các đối tượng và trong các tình huống theo quy định của Luật DTQG.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Nguyễn Hồng Sâm - Thời báo Tài chính VN