Trường Sa - Nơi hội tụ của tinh thần yêu nước

Tôi vẫn thường gặp đâu đó những câu hỏi, băn khoăn kể cả những người “có trách nhiệm” rằng: tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam hôm  nay có còn như thế hệ cha ông xưa không ? khi đất nước nước lâm nguy dân tộc ta có còn đoàn kết một lòng sẵn sàng xả thân vì xã tắc nữa hay không ? Sau chuyến đi Trường Sa tôi đã có thể trả lời  một câu chắc nịch rằng: Tinh thần yêu nước của “con cháu” đất Việt vẫn giữ truyền thống ngàn đời nay của Cha Ông để lại. Tinh thần đoàn kết dân tộc vẫn là những “làn sóng” vô cùng mạnh mẽ nhấn chìm lũ cướp biển, cướp đảo, hãy đến với Trường Sa, Bạn sẽ thấy rất rõ điều đó!

Tôi thực sự tự hào và hạnh phúc khi được tham gia đoàn công tác của Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) đi thăm và tặng quà quân và dân trên quần đảo Trưởng Sa. Chuyến công tác thực hiện vào đúng giữa những ngày tháng 4 lịch sử, khi cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Chuyến tàu kiểm ngư mang số hiệu KN - 490, chở đoàn công tác số 6 xuất phát từ quân cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh)  gồm các CBCC tại các cơ quan: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ nhà nước), Tỉnh Bắc Cạn, Tỉnh Bắc Ninh, Viện Huyết học Trung ương, Học viện Cảnh sát nhân dân, Công an tỉnh Gia Rai mang theo đầy ắp những yêu thương từ đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.

Con tàu KN - 490 đưa chúng tôi  chạy dọc sông Sài Gòn để tiến ra biển khơi. Khi bờ bãi lùi dần, xóm làng xa khuất, biển mênh mông xa tắp, hút tầm,  tôi thực sự choáng ngợp trước sự mênh mông rộng, dài của biển. Con tàu đưa chúng tôi “lướt sóng” được đánh giá là con tàu hiện đại, nhưng giờ đây trông nó như một chiếc lá nhỏ, mong manh, chao đảo bởi hàng ngàn con sóng giữa đại dương mênh mông. Ra đến biển khơi, tôi cảm nhận được sự hùng vĩ của thiên nhiên và thấy mình thật nhỏ bé. Chắc cũng cảm nhận được điều đó nên mọi người trên tàu xích lại gần nhau hơn. Hơn hai trăm con người từ mọi miền của tổ quốc chưa gặp nhau lần nào giờ đây tự nhiên thấy gần gũi, yêu thương nhau và trái tim như cùng một nhịp đập đó là hướng về Tổ quốc, hướng về các chiến sĩ hải quân thân yêu đang làm nhiệm vụ canh gác, giữ gìn sự bình yên cho biển đảo Đất mẹ Việt Nam.

Với hải trình liên tục hai ngày hai đêm, điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là đảo Song Tử Tây, đúng 5 giờ sáng, đồng chí phát thanh viên trên tàu thông báo “đã hết giờ nghỉ, toàn tàu báo thức – báo thức toàn tàu”  và tàu đã đến đảo Song Tử Tây. Mọi người bật dậy và lao vội lên boong tàu, tất cả cùng reo lên, một cảm xúc sung sướng, hạnh phúc, tự hào khi giữa biển khơi mênh mông nổi lên hòn đảo xanh ngát và trên đó ngọn cờ đỏ sao vàng bay lấp lánh trong buổi sáng bình minh. Đến quần đảo Trường Sa, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy chính là hình ảnh lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay phần phật trên đảo. Nhìn từ xa, lá cờ đỏ sao vàng bất chấp nắng, gió khắc nghiệt như khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc Việt Nam.

L chào Cờ trên đảo Trường Sa thật ấn tượng – Tự hào là người con đất Việt

Đoàn công tác chúng tôi được tham dự hai buổi lễ chào cờ và duyệt đội ngũ trong chuyến hải trình về với Biển đảo. Buổi đầu tiên tại đảo Song Tử Tây và buổi thứ hai tại đảo Trường Sa lớn. Cả hai buổi lễ chào cờ và duyệt đội ngũ đều để lại cho tôi và đoàn công tác cảm xúc không bao giờ phai. Khi tàu cập bến, quân và dân trên đảo đã sẵn sàng cho lễ chào cờ và duyệt đội ngũ. Chúng tôi không ai bảo ai cũng nhanh chóng ổn định đội ngũ, quần áo chỉnh tề, đứng ngay ngắn trước cột mốc chủ quyền trên đảo. Dưới lá cờ tung bay phần phật trong nắng gió Trường Sa, chúng tôi đứng nghiêm trên mảnh đất liêng thiêng của Tổ quốc, tất cả đều im lặng chờ giây phút thiêng liêng của lễ chào cờ. Trong thời khắc ấy chỉ nghe tiếng lá cở bay phật phật trên đỉnh đầu và tiếng sóng biển rì rào dưới chân đảo. Bống vang lên tiếng hô của người chỉ huy:

          “Bắt đầu” tiếng quân nhạc cất lên…… “ Chào cờ…… chào !”

Tất cả mọi người nhìn thẳng lên lá cờ đỏ sao vàng, cùng hát vang bài quốc ca “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa, cờ in máu chiến thắng mang hồn nước…”. Tôi thấy một cảm xúc dâng trào về niềm tự hào dân tộc, tự hào mình được là người con  đất Việt. Trong cuộc đời chúng ta ai cũng đã nhiều lần chào cờ, hát Quốc ca... cũng là bài Quốc ca ấy, cũng là màu cờ ấy, nhưng khi hát ở Trường Sa, những cảm xúc khác lạ cứ trào dâng trong tôi.

Nhạc chào cờ vừa dứt, một tiếng hô dứt khoát và dõng dạc vang lên:

Chúng tôi, những chiến sĩ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc:

“ …Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam..........”

Trăm người như một không kể quân hay dân cùng hô vang "Xin Thề.

Mười lời thề danh dự của quân nhân vang lên đầy dõng dạc và mạnh mẽ. Mỗi lần đọc xong một lời thề, hai tiếng “xin thề” vang lên như sóng dậy. Đó là lời thề với đất, trời, biển cả, với tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Cùng với niềm tự hào là quyết tâm bảo vệ chủ quyền của tổ quốc, bảo vệ không gian sinh tồn của nòi giống Việt mà bao đời nay Cha Ông chúng ta đã gây dựng , giữ gìn, bảo vệ, trao lại cho chúng ta, dù có phải hy sinh tất cả cũng “xin thề” giữ cho bằng được.

 

Đoàn công tác vinh dự và tự hào tham dự Lễ chào Cờ trên đảo Trường Sa

 

Chiến sỹ Trường Sa - Còn người còn đảo

Hải trình của chúng tôi đi qua  mười một điểm đảo, bắt đầu từ đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh tồn, Cô Lin, Đá Đông C, Đá Đông B, Đá Tây A, Trường Sa và kết thúc tại nhà giàn DK1. Không hiểu sao, giữa mênh mông biển cả, những chiến sĩ Hải quân chưa một lần gặp mặt mà thân thương đến thế. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi, vui nhưng ai cũng thấy sống mũi cay sè và cặp mắt đỏ hoe… Các chiến sĩ còn rất trẻ, tuổi ngoài 20, khuôn mặt căng tròn, nước da rám nắng, nụ cười rất tươi nhưng tác phong rất nhanh nhẹn, gọn gàng và dứt khoát. Chúng tôi ân cần hỏi han các chiến sĩ về đời sống vật chất, tinh thần, các chiến sĩ tâm sự rất thật “Thực lòng ở ngoài này về vật chất còn nhiều thiếu thốn, xa đất liền, xa người thân, phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng so với trước đây giờ đã khá hơn nhiều. Còn về tinh thần chiến đấu, cán bộ chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa luôn xác định chúng tôi sẽ chiến đấu vì danh dự của một chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, danh dự của gia đình,  làng xóm và danh dự Tổ quốc. Vì vậy chúng tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, sẵn sàng hy sinh một cách oanh liệt để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thông điệp của chiến sĩ đảo Trường Sa gửi về đất liền là còn người là còn đảo”. Nghe tâm sự tôi thực sự khâm phục thế hệ chiến sĩ trẻ ngày hôm nay, các chiến sĩ tuổi còn trẻ nhưng có cách nhìn, cách nghĩ rất đáng trân trọng. Chúng tôi  ngưỡng mộ, tin tưởng và tự hào vào thế hệ chiến sỹ trẻ ngày hôm nay trên quần đảo Trường Sa đang vững niềm tin, chắc tay súng bảo vệ vững chắc vùng trời và hải đảo của Tổ quốc.

Sẽ biến đau thương thành hành động

Tàu dừng lại gần đảo Cô Lin để tưởng niệm các chiến sĩ Trường Sa đã hi sinh vì biển đảo. Tàu nằm cách không xa đảo Gạc Ma của chúng ta nhưng bị Trung quốc đánh chiếm năm 1988. Trong nền nhạc “Hồn tử sĩ” quyện khói hương, đoàn công tác lặng người đứng viếng vong linh của những người lính đảo đã hy sinh vì Tổ quốc. Đồng chí Chính ủy vùng 4 Hải quân đọc diễn văn tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ. Giọng anh chậm xuống khi nói về sự hy sinh của các anh, phía dưới tiếng nấc nghẹn ngào xúc động. Cách đây 29 năm, ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma đã anh dũng hi sinh sau khi hiên ngang đứng thành vòng tròn bảo vệ Quốc kỳ, dấu mốc khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, kiên cường chống trả trong một cuộc chiến không cân sức trước sự tấn công xâm lược của lực lượng tàu chiến hùng hậu Trung Quốc.

 

Đoàn công tác viếng vong linh các chiến sĩ Trường Sa đã hi sinh vì Tổ quốc

 

Khi phút tưởng niệm kết thúc, như không ai bảo ai, hàng trăm con mắt đỏ hoe, nhòe lệ cùng ngước lên và nhìn thẳng về phía đảo Gạc Ma. Tôi nhìn thấy từ những đôi mắt đó hàng trăm mũi tên có lửa đang bắn ra.

Tạm biệt Trường Sa - Cao trào của bản tình ca đất liền và hải đảo

Sau nửa ngày trên đảo Trường Sa lớn, đoàn chúng tôi kết thúc chuyến thăm bằng một chương trình giao lưu văn nghệ. Trời đã trở về khuya, toàn bộ quân dân trên đảo xếp thành hai hàng bắt tay chúng tôi tạm biệt đoàn công tác. Nhiều người mắt đỏ hoe, nói lời tạm biệt trong nghẹn ngào. Khi đoàn chúng tôi trở về tàu, nhìn quân dân trên đảo và những “công dân tý hon” đứng ngay ngắn chào theo nghi lễ quân đội,  cùng vỗ tay hát vang bài hát “Khúc quân ca Trường Sa”, “Đời mình là một khúc quân hành”. Đoàn công tác số 6 chúng tôi đứng trên boong tầu - người hòa nhịp hát, nhiều người không thể hát nổi bởi nghẹn ngào xúc động, người chụp ảnh, người quay video ghi lại khoảnh khắc quý giá này để làm kỷ niệm của chuyến đi.

 

Tạm biệt Trường Sa - Tạm biệt Đoàn công tác

những cánh tay giơ lên vẫy chào không biết mỏi

 

Ba hồi còi vang lên, tàu bắt đầu rời đảo, không ai bảo ai, chúng tôi gần như đồng thanh “Tạm biệt Trường… Sa…”. Trên cầu đảo cùng vang lên “Trường Sa vì Tổ quốc,  tiếp liền đó chúng tôi cùng đồng thanh “Tổ quốc vì Trường …Sa”, điệp khúc “Trường Sa vì Tổ quốc” - “Tổ quốc vì trường Sa” cứ kéo dài mãi. Những cánh tay giơ lên vẫy chào không biết mỏi, những giọt nước mắt lăn tràn trên má, tiếng hô “Tổ quốc vì Trường Sa” lạc cả giọng cứ kéo dài mãi cho đến khi hình bóng các chiến sĩ trên đảo mờ dần trong đêm muộn. Khi Đảo đã thật xa, sau một phút thẫn thờ mọi người trên tàu lại tiếp tục cùng hát “Nơi Đảo xa”  “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Khát vọng tuổi trẻ”. Điệp khúc “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà tự hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay..” cứ kéo dài mãi thôi thúc trong mỗi chúng tôi về ý nghĩa của cuộc sống, về bổn phận trách nhiệm với Tổ quốc.

 

Đoàn công tác chụp ảnh kỷ niệm trên Đảo Sơn Ca

 

 

Kết thúc chuyến công tác thật ý nghĩa và thắm đượm tình quân dân, đã cho tôi thấy tinh thần yêu nước của người dân đất Việt, cho tôi niềm tin đối với các “Anh bộ đội Cụ Hồ”, với quân, dân trên quần đảo Trường Sa luôn sẵn sàng hi sinh tất cả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Niềm tin về tinh thần đoàn kết một lòng của người dân đất Việt vì Trường Sa, vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Sau chuyến công tác thăm quân dân Đảo Trường Sa đã cho tôi thêm phần tự hào mình là con của Đất Việt, hun đúc thêm tinh thần yêu nước  và thấy cần phải góp phần nhỏ bé của mình trong công tác tuyên truyền cho Biển đảo quê hương./.

 

Bùi Thúy Ngọc, Phó trưởng đoàn công tác Tổng cục DTNN


Tin khác

Thông tin hữu ích
Thuế Nhà nước Tài chính điện tử Tủ sách lịch sử truyền thống ngành TC