Xuất cấp hơn 1.442 tỷ đồng hàng Dự trữ Quốc gia
Ông Lê Văn Dương
Chánh Văn phòng Tổng cục Dự trữ Nhà nước
Giúp nhân dân vượt qua khó khăn
Ông Lê Văn Dương cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định xuất cấp hàng DTQG cho các địa phương để cứu đói, hỗ trợ Tết Nguyên đán và phòng chống thiên tai, dịch bệnh, viện trợ; tổng giá trị hàng đã xuất cấp khoảng 1.442 tỷ đồng.
Trong đó, Bộ Tài chính đã xuất cấp 24.400 tấn gạo để cứu trợ Tết Nguyên đán, hỗ trợ giáp hạt, dịch bệnh và ảnh hưởng của thiên tai; 5.000 tấn gạo viện trợ cho Cu Ba; 29.286 tấn học kỳ II năm học 2016-2017; 38.597 tấn hỗ trợ học sinh học kỳ I năm học 2017-2018 và 12.234 tấn hỗ trợ trồng.
Về vật tư thiết bị, Bộ Tài chính đã xuất cấp 87 bộ xuồng cao tốc các loại và 42 chiếc máy phát điện loại 15-30KVA, 112 máy bơm nước chữa cháy, 32 bộ thiết bị khoan cắt bê tông, 201.000 phao tròn cứu sinh, 60.500 chiếc phao áo cứu sinh, 1.005 bè nhẹ cứu sinh, 1.850 bộ nhà bạt các loại.
“Đến nay, số lượng hàng DTQG đã xuất cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và phân bổ đúng đối tượng; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ. Giúp nhân dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống và góp phần đảm bảo nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội”, ông Lê Văn Dương nhấn mạnh.
Chia sẻ với phóng viên TBTCVN về hiệu quả của công tác xuất cấp hàng dự trữ quốc gia, ông Lê Văn Dương cũng cho biết: “Mặc dù số hàng DTQG đến với mỗi người dân không nhiều nhưng trong nhiều năm qua việc hỗ trợ hàng DTQG cho nhân dân các địa phương trong dịp Tết nguyên đán, thời điểm giáp hạt, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bão lũ là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của ngành DTQG. Có thể khẳng định, đây là việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa lớn lao, đậm chất nhân văn thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” sẻ chia của Chính phủ cho bà con vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, mất mùa, phòng chống dịch bệnh, thời điểm giáp hạt”.
Đối với việc xuất gạo DTQG hỗ trợ cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ông Lê Văn Dương cũng cho biết: “Ngày 18/6/2013 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg về Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2013)”.
Theo đó; trong năm học 2013-2014 đã xuất cấp 58.336 tấn gạo hỗ trợ cho 430.000 học sinh tại 46 tỉnh, thành; năm học 2014-2015 xuất cấp 67.741 tấn gạo, hỗ trợ cho 480.000 học sinh tại 49 tỉnh, thành; Năm học 2015-2016 đã xuất cấp khoảng 72.700 tấn hỗ trợ cho 537.640 học sinh tại 48 tỉnh, thành; Năm học 2016-2017 đã xuất cấp khoảng 64.809 tấn hỗ trợ 539.736 học sinh tại 47 tỉnh, thành. Ngày 18/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Hiện nay, Tổng cục DTNN đang triển khai xuất cấp gần 40.000 tấn gạo để hỗ trợ cho học sinh trong học kỳ I/2017-2018.
Nhìn những con số trên có thể khẳng định dù đất nước còn nhiều gian khó nhưng việc đảm bảo an sinh xã hội cho đối tượng yếu thế luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Thông qua chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh dân tộc thiểu số đã giúp cho số lượng học sinh theo học ngày càng tăng cao (mỗi năm tăng thêm khoảng 50.000 học sinh), các em có sức khỏe tập trung học tập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là yếu tố cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ cho địa phương, góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Cùng với chính sách hỗ trợ hàng dự trữ góp phần đảm bảo an sinh xã hội Đảng và Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm và dành nguồn lực trong việc hỗ trợ trang thiết bị DTQG cho các quân binh chủng, lực lượng tác chiến. Nhờ đó đã góp phần phục vụ tốt công tác đảm bảo an toàn cho các ngày lễ, hội nghị lớn của đất nước trong năm cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng trật tự, an toàn xã hội và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hàng ngàn tỉ đồng hàng dự trữ góp phần phục vụ an sinh xã hội
Bên cạnh đó việc hỗ trợ vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân, ngư dân các địa phương ven biển và nhân dân các vùng bị thiên tai, lũ lụt đã củng cố lực lượng ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền đất nước và phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai một cách hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
Phát huy có hiệu quả nguồn lực DTQG
Để bảo đảm sử dụng, phát huy có hiệu quả nguồn lực DTQG, ông Lê Văn Dương cho biết: “Trong thời gian tới, Tổng cục DTNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia và các bộ, ngành có liên quan tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, bảo quản hàng DTQG phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan đơn vị để kịp thời rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép xuất cấp hàng DTQG”.
Đồng thời, tăng cường bố trí nguồn lực cho DTQG, đảm bảo đủ số lượng, bố trí trên các địa bàn chiến lược, các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh để sẵn sàng, chủ động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Cũng theo ông Lê Văn Dương, ngoài việc triển khai, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, Tổng cục sẽ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để tiếp cận các chính sách mới, các chương trình mục tiêu để kịp thời tham mưu trình Chính phủ sử dụng nguồn lực DTQG ngày càng hiệu quả hơn.
Đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất với các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn phụ trách để đưa một số mặt hàng DTQG cần thiết đáp ứng yêu cầu DTQG, nhất là công tác bảo vệ biển đảo, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh tổ quốc./.
Hồng Sâm