Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam
Bộ Tài chính vừa gửi xin ý kiến dự thảo Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam (IFRS). Đề án nhằm hướng đến hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả cho công tác quản trị, điều hành tại doanh nghiệp cũng như việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng Nhà nước trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thành công trong các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thực trạng áp dụng Chuẩn mực kế toán tại Việt Nam
Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2005, Việt Nam đã ban hành 26 Chuẩn mực kế toán, đây là một bước cải cách và tiến bộ rất lớn trong hệ thống văn bản pháp lý về kế toán ở Việt Nam. Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán và đã 2 lần ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp (Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 và Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 thay thế Quyết định số 15). Ngoài ra, trên cơ sở các Chế độ kế toán doanh nghiệp tại Quyết định số 15 và Thông tư số 200, Bộ Tài chính cũng đã 2 lần ban hành Chế độ kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/9/2006 và Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 thay thế Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC).
Chuẩn mực kế toán và các chế độ kế toán có phạm vi áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam tùy theo quy mô, đã đóng góp đáng kể vào việc quản trị, điều hành của các doanh nghiệp, phản ánh được nhiều giao dịch của nền kinh tế thị trường non trẻ, phù hợp với yêu cầu quản lý của Nhà nước trong giai đoạn cải cách và hội nhập kinh tế thế giới. Mặc dù đã có những đóng góp to lớn trong giai đoạn trước đây nhưng Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) hiện nay đã trở nên lạc hậu so với mặt bằng chung thế giới do chưa được sửa đổi, bổ sung và cập nhật. Vì vậy, VAS đã bộc lộ nhiều tồn tại và hạn chế trong việc đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế đất nước cũng như việc tiếp cận với thông lệ quốc tế.
Nhu cầu và khả năng áp dụng IFRS của các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay
Hội thảo Kinh nghiệm áp dụng IFRS của một số quốc gia, định hướng
của Việt Nam được Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội ngày 28/5/2018
Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức một số cuộc hội thảo và khảo sát về nhu cầu và khả năng áp dụng IFRS của các doanh nghiệp tại Việt Nam như: Hội thảo “IFRS- Định hướng và lộ trình áp dụng tại Việt Nam”; Hội thảo “Kinh nghiệm áp dụng IFRS của một số quốc gia, định hướng của Việt Nam”. Thông qua 2 đợt Hội thảo, Bộ Tài chính đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu tham dự tại Hội thảo là đại diện từ các công ty niêm yết, các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị có lợi ích công chúng khác thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, các trường đại học, các công ty dịch vụ kế toán và kiểm toán,... Theo đó, kết quả khảo sát cho hầu hết các ý kiến cho rằng việc áp dụng IFRS tại Việt Nam là rất cấp thiết.
Cùng với đó, được sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Tài chính đã phối hợp với đơn vị tư vấn độc lập tiến hành khảo sát về nhu cầu và khả năng áp dụng tại 46 đơn vị tại Việt Nam trong đó có hơn 27 đơn vị là các doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn. Kết quả khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn hoặc các định chế tài chính quốc tế, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI có nhu cầu áp dụng IFRS do yêu cầu từ các nhà đầu tư và công ty mẹ ở nước ngoài. Trên thực tế ở Việt Nam hiện nay các doanh nghiệp này đang phải thực hiện chuyển đổi Báo cáo tài chính (BCTC) lập theo VAS sang IFRS để cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, chủ nợ nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi BCTC theo IFRS vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tài chính), nhiều doanh nghiệp phải thuê các công ty kiểm toán trợ giúp trong quá trình chuyển đổi BCTC sang IFRS.
Có thể thấy rằng nhu cầu áp dụng IFRS tại Việt Nam là thực tế khách quan, tuy nhiên, do chưa tìm hiểu và được đào tạo về IFRS, nên phần lớn các doanh nghiệp mong muốn có thời gian để chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực, nâng cấp hệ thống thông tin, phần mềm. Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp Nhật Bản và một số nước Châu Âu thì để đảm bảo tính khả thi, doanh nghiệp cần phải có một khoảng thời gian chuẩn bị cần thiết (thường là 2- 3 năm kể từ thời điểm công bố) để chuyển đổi từ việc áp dụng Chuẩn mực quốc gia sang IFRS.
Lộ trình áp dụng Đề án
Theo dự thảo Đề án của Bộ Tài chính, lộ trình triển khai được thực hiện theo các bước sau:
Từ năm 2019 đến hết năm 2021, Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện Đề án để đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng IFRS từ năm 2022, như: công bố bản dịch IFRS ra tiếng Việt, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các hướng dẫn áp dụng IFRS,…
Việc triển khai Đề án IFRS được trải qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ năm 2022 đến 2025; Giai đoạn 2: Từ sau năm 2025
Giai đoạn 1: Từ năm 2022 đến 2025 sẽ được triển khai với những nội dung như sau:
Đối với BCTC hợp nhất, một số doanh nghiệp từ nhóm các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện hoặc do Bộ Tài chính lựa chọn thực hiện áp dụng IFRS để lập BCTC hợp nhất như: Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế; Công ty niêm yết; Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; Các công ty mẹ khác có nhu cầu và nguồn lực tự nguyện áp dụng IFRS.
Đối với BCTC riêng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện áp dụng IFRS để lập BCTC riêng. Khi áp dụng IFRS doanh nghiệp phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình rõ ràng, minh bạch với cơ quan thuế, cơ quan quản lý, giám sát về việc xác định nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp tự nguyện hoặc được lựa chọn áp dụng IFRS để lập BCTC hợp nhất hoặc BCTC riêng sẽ không phải lập BCTC theo VAS.
Giai đoạn 2: Từ sau năm 2025 sẽ được triển khai với những nội dung như sau:
Đối với BCTC hợp nhất, doanh nghiệp bắt buộc lập BCTC hợp nhất theo IFRS, gồm tất cả các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước; Tất cả các công ty niêm yết; Các công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; Các công ty mẹ khác không thuộc đối tượng bắt buộc nêu trên được khuyến khích tự nguyện áp dụng IFRS cho BCTC hợp nhất.
Trên cơ sở đánh giá kết quả áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp và tình hình thực tế để quy định thời điểm và lộ trình bắt buộc áp dụng IFRS cho từng nhóm đối tượng cụ thể, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi.
Đối với BCTC riêng, các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện hoặc được Bộ Tài chính lựa chọnáp dụng IFRS để lập BCTC riêng như Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nhu cầu, đủ nguồn lực để áp dụng IFRS; Các doanh nghiệp khác có nhu cầu, đủ nguồn lực để áp dụng IFRS; Khi áp dụng IFRS doanh nghiệp phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình rõ ràng, minh bạch với cơ quan thuế, cơ quan quản lý, giám sát về việc xác định nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp bắt buộc hoặc tự nguyện lập BCTC hợp nhất hoặc BCTC riêng theo IFRS sẽ không phải lập BCTC hợp nhất theo VAS.
Lợi ích của việc áp dụng IFRS đối với Việt Nam
Ông Vũ Đức Chính, Cục Trưởng, Cục Quản lý Giám sát Kế toán - Kiểm toán phát biểu tại Hội thảo
“Thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) vào Việt Nam”
Trao đổi với Cổng TTĐT Bộ Tài chính, Ông Vũ Đức Chính, Cục Trưởng, Cục Quản lý Giám sát Kế toán - Kiểm toán (Bộ Tài chính) cho rằng, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ đem lại những lợi ích về chất lượng BCTC; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút dòng vốn đầu tư, trong nước và trực tiếp nước ngoài về Việt Nam,... Các lợi ích của việc áp dụng chuẩn mực IFRS có thể được phân tích rõ hơn như sau:
Thứ nhất, chất lượng BCTC của doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người sử dụng báo cáo để đưa ra các quyết định quản lý, điều hành và đầu tư.
Thứ hai, BCTC của doanh nghiệp Việt Nam có thể so sánh được với các doanh nghiệp khác trên thế giới. Đồng thời, do IFRS được thừa nhận và áp dụng rộng rãi nên sẽ giúp người sử dụng BCTC có thể so sánh tình hình và kết quả tài chính của các doanh nghiệp giữa các quốc gia khác nhau một cách dễ dàng hơn do BCTC của các công ty được lập dựa trên cùng một hệ thống chuẩn mực nên giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thuận lợi hơn trong việc huy động vốn trên thị trường quốc tế.
Thứ ba, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, tài chính tạo điều kiện cho việc xuất khẩu lao động có chuyên môn hoặc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài.
Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam nên sẽ có cơ hội gia tăng mạnh mẽ số lượng các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam do các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ giảm bớt chi phí cho việc chuyển đổi báo cáo tài chính được lập theo chuẩn mực kế toán Việt Nam sang báo cáo tài chính theo IFRS để hợp nhất với công ty mẹ ở nước ngoài.
Thứ năm, giúp các tổ chức quốc tế có thêm căn cứ để công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động đàm phán quốc tế về kinh tế, tài chính.
Thứ sáu, tạo thuận lợi trong công tác đánh giá, quản lý, giám sát tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các đối tượng liên quan.
Ông Vũ Đức Chính cũng nhận định, đây là một đề án rất phức tạp về mặt kỹ thuật, có phạm vi rộng, vì vậy Bộ Tài chính mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, của các Bộ ngành, địa phương về quan điểm định hướng và mục tiêu thực hiện. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho Bộ Tài chính các nguồn lực cần thiết để triển khai, hoàn thành Đề án khi đưa vào áp dụng tại Việt Nam. Cần có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành các địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, hội nghề nghiệp, các chuyên gia về kế toán trong việc thực hiện các nội dung về xây dựng và triển khai Đề án theo lộ trình được phê duyệt.
Theo Mof.gov.vn