Kho bạc Nhà nước Điện Biên triển khai Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN: Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng

image

Giám đốc KBNN Điện Biên – Trần Mạnh Hà phát biểu tại buổi tập huấn triển khai Đề án

Trong năm 2017, bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt công tác quản lý tài chính, ngân sách trên địa bàn, KBNN Điện Biên đã tích cực triển khai nhiều đề án, chính sách của ngành, như phối hợp thu với ngân hàng thương mại; thu qua POS; triển khai thanh toán điện tử song phương; thanh toán điện tử liên ngân hàng... và đặc biệt là một trong 5 đơn vị KBNN tỉnh thuộc hệ thống KBNN trên toàn quốc được Ban lãnh đạo KBNN tin tưởng lựa chọn là đơn vị tiên phong trong việc triển khai Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN, từ giai đoạn thí điểm cho đến nay Đề án đã đi vào hoạt động thực tiễn có hiệu quả trong toàn hệ thống KBNN.

Nhận thức việc triển khai Đề án là nhiệm vụ trong tâm của hệ thống KBNN trong năm 2017 để thực hiện chiến lược phát triển KBNN đến 2020 nhằm hướng đến một hệ thống KBNN hiện đại, chuyên nghiệpgóp phần đẩy mạnh cải cách thủ hành chính, đơn giản hồ sơ, chứng từ KSC; tiến tới KSC điện tử, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ chứng từ chi NSNN tại hệ thống KBNN, giảm đầu mối làm việc, nâng cao và cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng, tiến tới rút ngắn thời gian tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trong giao dịch chi NSNN tại KBNN.

Công tác phối hợp, tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án

Thực hiện Công văn số 9550/BTC-KBNN ngày 18/7/2017 của Bộ Tài chính về việc triển khai Đề án “Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN”, KBNN Điện Biên đã báo cáo, tham mưu với UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, phối hợp với KBNN trên địa bàn triển khai thực hiện Đề án “Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN” theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố phân bổ, nhập dự toán vào Hệ thống Thông tin Quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) kịp thời, đồng thời các đơn vị trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao, các dự án, đề án, các khoản chi ngân sách….

KBNN Điện Biên đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án thống nhất đầu mối KSC và có văn bản báo cáo UBND tỉnh về nội dung và kế hoạch triển khai đề án. Xây dựng quy chế phối hợp giữa Phòng Kế toán và Phòng Kiểm soát, thống nhất một số nghiệp vụ cụ thể và thời gian giao nhận chứng từ đảm bảo thời gian các kênh thanh toán như: thanh toán liên ngân hàng, liên kho bạc, thanh toán tiền mặt và các nghiệp vụ nội bộ... Thông báo đến các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án biết cùng phối hợp thực hiện.

image

Công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ trước khi triển khai Đề án

Tích hợp thông suốt hệ thống TABMIS, đào tạo nghiệp vụ và bố trí sắp xếp nhân sự

Để đảm bảo Đề án được triển khai đúng tiến độ cũng như đảm bảo tính hiệu quả cao trong thực tiễn, Ban Lãnh đạo KBNN Điện biên đã rà soát, đánh giá nâng cấp, trang cấp các thiết bị thiết yếu như máy trạm, đường mạng được cài đặt ứng dụng, nghiệp vụ trên cơ sở thông suốt với hệ thống máy chủ tại Kho bạc tỉnh, đồng thời tích hợp với hệ thống lõi TABMIS tại KBNN Trung ương đảm bảo phân luồng phê duyệt chứng từ điện tử được thông suốt. Mặt khác xây dựng phương án dự phòng vào mọi thời điểm 24/24 đảm bảo việc giao diện, chuyển chứng từ, kinh phí, chi trả thanh toán, cũng như cung cấp thông tin trên hệ thống TABMIS được ổn định, thông suốt, không bị ách tắc.

Về công tác đào tạo tập huấn trước và sau khi triển khai đề án, KBNN Điện Biên phối hợp với các đơn vị thuộc KBNN: Vụ Kiểm soát chi; Cục Kế toán Nhà nước; Cục Công nghệ thông tin tổ chức tập huấn cho cán bộ kế toán, cán bộ KSC và lãnh đạo KBNN các huyện, hướng dẫn cho cán bộ thực hành trên hệ thống TABMIS trong môi trường thực tế, chủ động đào tạo tại chỗ cho các cán bộ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, khi triển khai đề án chứng từ phát sinh đến đâu nhập trực tiếp vào TABMIS “vừa làm vừa học” đến đó và có sự hỗ trợ của cán bộ kế toán, quá trình triển khai hệ thống hoạt động ổn định, thanh toán an toàn.

Trên cơ sở, vị trí, khối lượng công việc của từng công chức đang làm công tác kế toán và kiểm soát chi ngân sách Nhà nước, sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp trên cơ sở nhân sự hiện có đang thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi thường xuyên và nhân sự đang thực hiện kiểm soát chi đầu tư. Phòng Kiểm soát chi (KBNN tỉnh) sau khi triển khai Ðề án được bố trí 14 người (trong đó, có 6 công chức từ phòng Kế toán Nhà nước điều động sang và 01 công chức được điều động từ huyện lên). Theo nguyên tắc “một cửa, một giao dịch viên”, cán bộ kiểm soát chi được bố trí quản lý kiểm soát các khoản chi thường xuyên, chi đầu tư của đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án từ khâu tiếp nhận hồ sơ giấy hoặc tiếp nhận hồ sơ điện tử trên dịch vụ công; kiểm soát hồ sơ; nhập yêu cầu thanh toán (bao gồm tất cả các khoản chi từ tài khoản dự toán, tài khoản tiền gửi, tài khoản tạm thu, tạm giữ của các đơn vị dự toán, đơn vị sự nghiệp, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức làm nhiệm vụ hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng); đối chiếu, xác nhận với các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư về các khoản đã kiểm soát thanh toán, chi trả; số dư còn lại của các nguồn vốn được giao kiểm soát chi. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kịp thời xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; cán bộ kiểm soát chi, kế toán nhanh chóng ổn định, quen với quy trình nghiệp vụ mới, đảm bảo hoạt động thông suốt ngay từ ngày đầu triển khai. Các hồ sơ đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến đề nghị thanh toán đều được kiểm soát đảm bảo chặt chẽ, nhanh chóng và trong thời gian quy định. Sau gần hai tháng thực hiện Ðề án, KBNN Ðiện Biên đã tiếp nhận, thanh toán hơn 14.436 bộ hồ sơ (gồm 13.844  bộ chứng từ chi thường xuyên và hơn 592 bộ hồ sơ chi đầu tư).

Kết quả thu được từ khi triển khai thực hiện

Ðề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN đã phân định chức năng, nhiệm vụ giữa phòng, bộ phận kiểm soát chi và phòng, bộ phận kế toán trong lĩnh vực kiểm soát chi ngân sách Nhà nước theo hướng chuyên sâu; tách bạch giữa nghiệp vụ kiểm soát chi và nghiệp vụ kế toán, đảm bảo nguyên tắc mỗi phòng, bộ phận tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Khắc phục được những tồn tại, hạn chế trước đó khi công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước trong nội bộ hệ thống chưa tập trung vào một đầu mối mà được phân công cho 2 bộ phận thực hiện (Phòng, bộ phận kiểm soát chi thực hiện kiểm soát chi vốn đầu tư; phòng, bộ phận kế toán thực hiện kiểm soát chi các khoản chi thường xuyên). Cách tổ chức kiểm soát chi này chưa thực sự tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc giao dịch thanh toán với các đơn vị KBNN; đặc biệt là đối với trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách được giao cả dự toán chi thường xuyên và chi đầu tư; trường hợp chương trình, dự án được giao cả vốn đầu tư và chi thường xuyên; đồng thời chưa phù hợp về mô hình kiểm soát chi qua hệ thống KBNN theo thông lệ quốc tế.

image

Khách hàng thực hiện giao dịch tại KBNN Điện Biên

Đề án từ khi triển khai thí điểm, cho đến khi được triển khai diện rộng và đi vào thực tiễnđã đạt được những kết quả tích cực, việc kiểm soát thanh toán qua KBNN theo hướng một cửa, một giao dịch viên diễn ra khá thuận lợi, đúng quy trình. Cán bộ Kế toán và kiểm soát chi phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ vướng mắc kịp thời, nhất là trong việc giao nhận chứng từ giữa 2 phòng kiểm soát chi và kế toán; giữa cán bộ kiểm soát chi và cán bộ kế toán tại KBNN cấp huyện, nên việc triển khai đề án được thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống, thuận lợi trong giao dịch với khách hàng, đảm bảo thời gian kiểm soát chi theo quy định. Các đơn vị đến giao dịch với KBNN do đã được thông báo trước nên rất chủ động tìm hiểu các thông tin, chỉ dẫn giao dịch với công chức kiểm soát chi theo sự phân công được công khai trên các bảng chỉ dẫn. Nhiều đơn vị đã đến làm thủ tục tạm ứng, thanh toán các khoản chi NSNN ngay những ngày đầu tiên khi KBNN Điện Biên triển khai thực hiện đề án và cho đến nay khi Đề án đi vào hoạt động trong thực tiễn, các giao dịch được diễn ra bình thường, nhanh chóng; khách hàng được hướng dẫn đầy đủ, kịp thời về hồ sơ thủ tục, về thời gian xử lý hồ sơ, thanh toán chuyển tiền, không phải đi lại nhiều nên rất đồng tình, ủng hộ.

Bên cạnh đó, việc tập trung nhiệm vụ kiểm soát các khoản chi ngân sách Nhà nước vào một đầu mối theo nguyên tắc “một cửa, một giao dịch viên” thuận lợi cho khách hàng, đơn vị sử dụng NSNN. Ðồng thời là cơ sở thuận lợi cho KBNN trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, mở tài khoản, giao nhận hồ sơ, thanh toán qua mạng; góp phần đẩy mạnh cải cách thủ thủ hành chính, đơn giản hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi bằng cách giảm bớt và lồng ghép một số hồ sơ, chứng từ có cùng chỉ tiêu về chi thường xuyên và chi đầu tư thành một chứng từ, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ chứng từ. Việc triển khai thành công Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN  một trong những Đề án, chính sánh quan trọng đóng góp trực tiếp vào việc thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống KBNN đến năm 2020 và phương hướng lộ trình phát triển hệ thống KBNN trong những năm tiếp theo./.

TNK


Tin khác

Thông tin hữu ích
Thuế Nhà nước Tài chính điện tử Tủ sách lịch sử truyền thống ngành TC