Hoàn thiện chính sách về kinh doanh bảo hiểm
Ngày 22/6, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý & Giám sát Bảo hiểm phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm giai đoạn 2000-2017 và định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm”. Tham dự Hội thảo có đại diện Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia và nhà khoa học,…
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo đã tập trung thảo luận về kết quả triển khai Luật Kinh doanh bảo hiểm giai đoạn 2000 - 2017, những vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai và kiến nghị định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển.
Kết quả thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội thông qua năm 2000 và sửa đổi, bổ sung năm 2010. Sau gần 20 năm thực hiện, Luật kinh doanh bảo hiểm đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo lập khung khổ pháp lý cao cho hoạt động của thị trưởng bảo hiểm, góp phần phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam nói riêng và phát triển nền kinh tế nói chung.
Trong những năm qua, thị trường bảo hiểm đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm không ngừng gia tăng; nhiều nghiệp vụ bảo hiểm mới được phát triển, kênh phân phối được mở rộng, các sản phẩm bảo hiểm có sự đan xen với nhiều ngành nghề khác nhau, đặc biệt là các sản phẩm của dịch vụ tài chính, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Quy mô thị trường đã phát triển nhanh chóng từ 15 doanh nghiệp bảo hiểm năm 2000 lên 63 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh phi nhân thọ nước ngoài vào năm 2017. Năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động của các DN ngày càng được nâng cao với tổng tài sản của các DNBH đến năm 2017 đạt trên 315.000 tỷ đồng, tăng trung bình 24%/ năm, dự phòng nghiệp vụ đạt gần 300.000 tỷ đồng, tăng khoảng 23%/năm, vốn chủ sở hữu đạt 65.000 tỷ đồng, tăng 8%/năm. Doanh thu của các DN cũng đạt mức tăng trưởng 20% trong gần 20 năm qua. Bảo hiểm ngày càng phát huy vai trò quan trọng của mình đối với nền kinh tế.
Cùng với sự phát triển về quy mô, năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động, hoạt động bảo hiểm còn là kênh huy động vốn hiệu quả và đầu tư trở lại nền kinh tế. Năm 2017, đầu tư trở lại nền kinh tế của lĩnh vực bảo hiểm đạt trên 251.600 tỷ đồng, trong đó hơn 60% danh mục đầu tư của DN bảo hiểm nhân thọ đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Về mức độ thâm nhập thị trường, tính đến hết năm 2017 đã có 10 triệu lượt người có bảo hiểm y tế, sức khoẻ; trên 12 triệu lượt học sinh được bảo hiểm sức khoẻ, tai nạn; trên 18 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hàng không; trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm đường sắt, trên 2.000 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hành khách vận chuyển đường bộ, 80% công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước được bảo hiểm. Hiện có khoảng 1.300 sản phẩm bảo hiểm với mạng lưới phục vụ trên toàn quốc
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã thực hiện các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ như chương trình bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg áp dụng từ năm 2011-2013 trên 20 tỉnh, thành phố với tổng giá trị bảo hiểm 7.748 tỷ đồng, số tiền bồi thường 713 tỷ đồng. Triển khai bảo hiểm thuỷ sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP với tổng giá trị bảo hiểm trên 41.000 tỷ đồng, với 10.757 tàu và 10.214 thuyền viên được bảo hiểm, tổng số tiền bồi thường 390 tỷ đồng.
Định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách
Trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhằm tạo động lực cho thị trường tăng trưởng trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường phát triển, cụ thể:
- Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bảo hiểm đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển các sản phẩm, kênh phân phối mới; tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức cung cấp dịch vụ bổ trợ cho lĩnh vực bảo hiểm;
- Hoàn thiện một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và hệ thống pháp luật có liên quan (Luật doanh nghiệp, Bộ Luật dân sự,…);
- Thay đổi phương thức quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý, giám sát nhằm tăng tính chủ động cho doanh nghiệp trong quản trị tài chính, quản trị rủi ro;
- Bổ sung một số quy định nhằm tăng cường vai trò quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và thực tiễn hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm và an toàn tài chính trong lĩnh vực bảo hiểm.
Dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2021./.
Theo Mof.gov.vn