Sửa đổi Luật Chứng khoán: Giải quyết nhiều vướng mắc để phát triển thị trường chứng khoán

Ngày 16/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Đánh giá dự án Luật được xây dựng công phu, chi tiết, UBTVQH tán thành nhiều nội dung mới của dự thảo Luật như tăng vốn điều lệ tối thiểu của công ty đại chúng, tăng thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN)…

Nâng vốn điều lệ tối thiểu của công ty đại chúng lên 30 tỷ đồng

Tại phiên họp, trình bày tờ trình về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành đã tạo khung khổ pháp lý cao nhất, tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK), đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành, Luật Chứng khoán cũng bộc lộ một số hạn chế như một số điều khoản chưa đủ rõ ràng, không còn phù hợp với thực tiễn, không còn thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan..., do đó cần thiết phải sửa đổi.

image

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 98 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 30 điều và giữ nguyên 8 điều. Những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu của dự thảo luật liên quan đền điều kiện chào bán chứng khoán, công ty đại chúng (CTĐC), thị trường giao dịch, mô hình tổ chức và thanh tra, xử lý vi phạm…

Về chào bán chứng khoán, dự thảo Luật tách bạch điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho phù hợp với tính chất của đợt chào bán. Chuẩn hóa một số điều kiện như: vốn điều lệ đã góp (từ 10 tỷ đồng lên từ 30 tỷ đồng), kết quả hoạt động kinh doanh, quy mô, tần suất phát hành, gắn việc chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán… Với CTĐC, dự thảo Luật nâng điều kiện CTĐC có vốn điều lệ đã góp tối thiểu từ 10 tỷ đồng lên từ 30 tỷ đồng; sửa đổi, bổ sung điều kiện về cơ cấu cổ đông cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Đối với chào bán chứng khoán riêng lẻ, dự thảo sửa đổi phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh việc các doanh nghiệp lạm dụng chào bán riêng lẻ thay vì chào bán ra công chúng; quy định rõ đối tượng tham gia chào bán cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ của công ty đại chúng chỉ bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược và bị hạn chế chuyển nhượng.

Về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán, dự thảo Luật bổ sung, luật hóa quy định Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) tổ chức thị trường giao dịch các cổ phiếu của DNNN, công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần, chứng khoán của các doanh nghiệp khác chưa đủ điều kiện niêm yết, chứng khoán của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác tại SGDCK theo quy định của Chính phủ. Đồng thời để thúc đẩy việc chào bán chứng khoán ra công chúng gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK, dự thảo Luật quy định rõ: chứng khoán đã chào bán ra công chúng phải được niêm yết, đăng ký giao dịch tại SGDCK.

Tăng thẩm quyền, tăng tính độc lập cho UBCKNN

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Chứng khoán nêu trong tờ trình của Chính phủ. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm sự phát triển bền vững, an toàn của TTCK, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế , đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế, góp phần nâng hạng thị trường và bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, bố cục của dự thảo Luật là hợp lý, trong đó đã tập trung giải quyết những vấn đề đang vướng mắc hiện nay như chất lượng hàng hóa đầu vào của thị trường, hành vi thao túng giá, chống giao dịch nội gián, cải cách hành chính nâng cao hiệu quả công tác tổ chức vận hành, quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm...

So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi lần này có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn, bao gồm cả hoạt động thị trường, chủ thể thị trường và hoạt động quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK”, báo cáo của cơ quan thẩm tra cho biết.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cũng đánh giá dự thảo luật được sửa đổi khá toàn diện, hồ sơ dự án luật được Chính phủ chuẩn bị đầy đủ, công phu, nghiêm túc. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, những năm qua, TTCK đã có bước phát triển rất tích cực, với mức vốn hoá lên tới 80% GDP. TTCK càng phát triển thì nền kinh tế càng minh bạch, TTCK cũng là thước đo sức khoẻ nền kinh tế quốc gia, do đó việc sửa đổi luật để thúc đẩy sự phát triển của thị trường là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, một số thành viên UBTVQH đặt câu hỏi về quyền hạn, mô hình của UBCKNN, về quy định chào bán chứng khoán riêng lẻ cho DN khởi nghiệp sáng tạo…

image

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN giải trình trước UBTVQH 
một số nội dung liên quan tại Dự án Luật chứng khoán (sửa đổi)

Giải trình trước UBTVQH về những nội dung này, DN khởi nghiệp sáng tạo, ông Trần Văn Dũng cho biết đặc trưng của loại hình DN này là đi tiên phong trong khoa học công nghệ nên nhiều rủi ro, khả năng thành công rất thấp. Tuy nhiên, loại hình DN này rất cần thiết cho nền kinh tế quốc gia vì thành công của DN có tầm ảnh hưởng lớn. Do tính rủi ro, nên dự thảo Luật đã quy định cho loại hình DN này chỉ chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp mà không bán rộng rãi ra công chúng. “Đây là một nội dung rất mới mà ban soạn thảo đã cố gắng đi tắt đón đầu, đề ra nguyên tắc về tổ chức thị trường cho DN khởi nghiệp sáng tạo. Chúng tôi khẳng định chỉ phát hành riêng lẻ, và cũng chỉ cho giao dịch với các nhà đầu tư chuyên nghiệp”, Chủ tịch UBCKNN nêu rõ.

Liên quan đến quyền hạn, nhiệm vụ của UBCKNN, theo ông Trần Văn Dũng, việc thiếu các quyền hạn của UBCKNN trong việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin một bất cập trong quản lý TTCK. Quan điểm của Chính phủ là ủng hộ UBCKNN có những thẩm quyền nhất định và đây cũng là những thẩm quyền cơ bản, được nêu rất rõ trong bộ nguyên tắc của tổ chức IOSCO (Tổ chức quốc tế các UBCK), phù hợp với chức năng của UBCKNN về thanh tra, kiểm tra thao túng, gian lận chứng khoán.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết UBTVQH nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Chứng khoán và đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát để đảm bảo sự phù hợp với hệ thống pháp luật liên quan, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.

Về một số nội dung quan trọng khác, UBTVQH đồng tình việc nâng vốn điều lệ của CTĐC từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng cho phù hợp với quy mô thị trường hiện nay, song yêu cầu đánh giá tác động và quy định chuyển tiếp hợp lý. Đồng tình với quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của DN khởi nghiệp sáng tạo nhằm khơi thông dòng vốn, song UBTVQH cho rằng cần cân nhắc tính tới các yếu tố bình đẳng giữa các DN.

Liên quan đến một số ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế cho rằng UBCKNN cần trực thuộc Chính phủ để tăng tính độc lập, giảm khâu trung gian, UBTVQH nhất trí việc tăng thẩm quyền, đảm bảo tính độc lập về nghiệp vụ cho UBCKNN là cần thiết, song trước mắt UBCKNN vẫn phải trực thuộc Bộ Tài chính bởi còn nhiều vấn đề cần cân nhắc. “UBCKNN muốn độc lập phải có điều kiện nhất định, chưa thể theo ngay thông lệ quốc tế”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định.

 Theo Mof.gov.vn


Tin khác

Thông tin hữu ích
Thuế Nhà nước Tài chính điện tử Tủ sách lịch sử truyền thống ngành TC