Tăng thẩm quyền và chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán
Tính chất, mức độ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng và tài chính nói chung ngày càng phức tạp và tinh vi, đòi hỏi cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đủ mạnh, chế tài và mức xử phạt phải bảo đảm tính răn đe. Đây là quan điểm của Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm tra nội dung về thanh tra, xử lý vi phạm tại dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Bổ sung một số thẩm quyền của UBCKNN trong thanh tra, xử lý vi phạm
Theo tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), quy định tại Luật Chứng khoán hiện hành về thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm không đáp ứng được yêu cầu quản lý, giám sát, cưỡng chế đảm bảo thực thi pháp luật trên TTCK.
Để khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, đồng thời trên cơ sở rà soát đảm bảo phù hợp với các luật khác có liên quan (Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông...), dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã bổ sung quy định một số quyền của UBCKNN như: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK theo quy định trình tự, thủ tục yêu cầu và cung cấp thông tin của pháp luật về các tổ chức tín dụng; Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm (Điều 128).
Đồng thời, để bảo đảm việc xử lý vi phạm đạt hiệu quả, tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, dự thảo Luật bổ sung quy định, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số các biện pháp xử lý: Đình chỉ hoạt động, đình chỉ giao dịch có thời hạn; Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; Thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chứng chỉ hành nghề; Cấm chào bán chứng khoán ra công chúng để huy động vốn có thời hạn; cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm tham gia các hoạt động về chứng khoán và TTCK có thời hạn hoặc vĩnh viễn (Điều 130).
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định nâng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt hành chính từ 2 tỷ lên 3 tỷ đồng đối với tổ chức và từ 1 tỷ lên 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Đề xuất tịch thu tới toàn bộ mức thu lời bất chính
Tại báo cáo thẩm tra, Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng tính chất, mức độ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng và tài chính nói chung ngày càng phức tạp và tinh vi, có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của TTCK, đòi hỏi cần có cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đủ mạnh để áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời, chế tài và mức xử phạt phải phù hợp với tính chất và mức độ vi phạm, bảo đảm tính răn đe của pháp luật và phù hợp với quy mô thị trường. Theo giải trình của Bộ Tài chính, mức phạt này đã được xem xét tính đến biến động trượt giá theo tỷ lệ lạm phát bình quân trong 10 năm (5%/năm x 10 năm), tuy nhiên, nếu xét về quy mô vốn hóa thị trường thì đến tháng 11/2018 đã gấp gần 18 lần so với năm 2006.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN giải trình trước UBTVQH
một số nội dung liên quan tại Dự án Luật chứng khoán (sửa đổi). Ảnh QH.VN
Do đó, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc nâng mức phạt tiền tối đa về xử phạt hành chính là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc quy định mức xử phạt tối đa dựa trên số tiền gây thiệt hại hoặc quy định các hình phạt bổ sung trên cơ sở rà soát tổng thể quy định của pháp luật hiện hành liên quan. Cụ thể, Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã quy định 4 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán có thể bị xử phạt hành chính (có trường hợp phạt đến 10 tỷ đồng) hoặc xử phạt bổ sung hoặc chịu trách nhiệm hình sự, bao gồm: Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209); Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 210); Thao túng giá chứng khoán (Điều 211) và Làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212).
Ngoài ra, Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị rà soát thêm Điều 130 dự thảo Luật để tách riêng các biện pháp xử lý như biện pháp cấm tham gia thị trường, cấm huy động vốn, cấm đảm nhiệm chức vụ... với các hình thức xử lý đã được quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính để làm rõ, tách bạch các biện pháp mang tính đảm bảo an ninh, an toàn thị trường, phòng ngừa rủi ro với biện pháp xử lý vi phạm.
Thảo luận tại phiên họp của , một số ý kiến trong UBTVQH đề nghị làm rõ hơn tính phù hợp của các quy định về thanh tra, xử lý vi phạm. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề liệu các quy định về xử phạt trong dự thảo luật có mâu thuẫn các quy định trong lĩnh vực này tại Bộ Luật Hình sự. Tại Điều 209 quy định “tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” quy định mức xử phạt hình sự là từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lo ngại, việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính với tổ chức, cá nhân có thể dẫn đến tình trạng xử lý hình sự nhẹ hơn xử lý hành chính.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu câu hỏi về việc quyền hạn của UBCKNN trong thanh tra, kiểm tra liệu có phù hợp các quy định hiện hành.
Giải trình về các nội dung này, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, do đặc thù của lĩnh vực chứng khoán là liên quan đến tài chính, mức vi phạm khá lớn, nên ban soạn thảo đề xuất mức phạt đặc thù lên đến 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân và 3 tỷ đồng đối với tổ chức. Đánh giá đây là mức phạt tương đối phù hợp, có cân đối với các quy định của Bộ Luật Hình sự, song ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cũng cho rằng chưa đủ sức răn đe nên đã bổ sung nội dung hình phạt mới là tịch thu khoản thu lời bất chính.
Dù đây là quy định mới và khó, song theo Chủ tịch UBCKNN, ban soạn thảo đề xuất đưa nguyên tắc này vào luật để nghiên cứu, quy định sau. Thông thường ở nhiều nước, khi xác định mức thu lời bất chính thì họ quy định phạt gấp đôi. Tuy nhiên, với điều kiện Việt Nam, sau khi rà soát kỹ, ban soạn thảo dự kiến chỉ đưa quy định tịch thu toàn bộ mức thu lời bất chính.
Liên quan đến quyền hạn, nhiệm vụ của UBCKNN, theo ông Trần Văn Dũng, việc thiếu các quyền hạn của UBCKNN trong việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin là một bất cập trong quản lý thị trường. Quan điểm của Chính phủ là ủng hộ UBCKNN có những thẩm quyền nhất định và đây cũng là những thẩm quyền cơ bản, được nêu rất rõ trong bộ nguyên tắc của tổ chức IOSCO (Tổ chức quốc tế các UBCK), phù hợp với chức năng của UBCKNN về thanh tra, kiểm tra hoạt động thao túng, gian lận chứng khoán.
Việc UBCKNN chưa được trao đầy đủ thẩm quyền trong thanh tra, giám sát, cưỡng chế thực thi là chưa thực hiện đầy đủ nguyên tắc quản lý TTCK của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO) mà Việt Nam là thành viên, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Hầu hết các nước có TTCK (như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Ba lan, Mỹ, Anh, Úc, Singapore, Lào, Campuchia...) đều quy định tại Luật Chứng khoán thẩm quyền của UBCK trong việc yêu cầu các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin; đến làm việc để giải trình, cung cấp tài liệu... Do không có các thẩm quyền nêu trên nên hiện nay UBCKNN gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin, xác minh, làm rõ và xử lý kịp thời các hành vi lạm dụng mang tính nghiêm trọng trên TTCK như giao dịch nội gián, thao túng thị trường. |
Theo Mof.gov.vn