Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Đã miễn, giãn thuế nhanh hơn lộ trình để nuôi dưỡng nguồn thu
Chiều 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phát biểu ý kiến, giải trình về những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Trong gần 2 ngày thảo luận, có ý kiến đại biểu cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến đạt kế hoạch là 6,7%, vậy tại sao ngân sách nhà nước chỉ tăng thu 2,3% so với dự toán; vì sao tăng trưởng kinh tế năm 2018 dự kiến 6,5% - 6,7%, lạm phát 4%, nhưng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2018 tăng có 6,4%; vì sao tăng trưởng kinh tế được cải thiện nhưng quy mô thu ngân sách nhà nước tính trên GDP giảm và không đạt mục tiêu đề ra.
Giải thích về mối quan hệ giữa mức độ hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu kinh tế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán năm 2017 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng kinh tế là 6,7% và lạm phát 4%. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế và lạm phát đạt kế hoạch thì thu ngân sách đang ước vượt 2,3% là tích cực.
Mặc dù đánh giá tổng thể thu vượt 2,3% nhưng thu từ 3 khu vực chính là thu từ doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 92,3%, từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 95,1% và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 97,2%, là có những nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về chủ quan, dự toán năm 2017 của các khu vực này đều được giao ở mức cao so với thực hiện năm 2016. Khu vực doanh nghiệp nhà nước giao tăng 8,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,9% và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 23,8%. Như vậy cao hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế và lạm phát cộng lại, nghĩa là 6,7% cộng với 4%. Vì vậy, mặc dù đánh giá thu không đạt dự toán, nhưng là mức tích cực so với thực hiện năm 2016.
Về nguyên nhân khách quan, mặc dù kinh tế có khởi sắc, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Do đó đóng góp vào ngân sách không được như dự kiến.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Lê Minh Chuẩn về tỷ lệ huy động ngân sách từ thuế, phí, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tỷ trọng huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP của Việt Nam hiện là 23,9%, trong đó động viên từ thuế, phí chỉ chiếm 19,7%. Trong khi theo báo cáo của IMF vào tháng 10/2017, tỷ trọng tổng thu ngân sách nhà nước trên GDP năm 2016 bình quân của các nước liên minh Châu Âu là 44,3% GDP; của các nước phát triển và mới nổi ở Châu Á là 25,5%; một số nước trong khu vực như Trung Quốc là 28,2%, Ấn Độ là 21,3%.
Bộ trưởng cũng khẳng định, một số sắc thuế cơ bản được ban hành tùy thuộc vào chiến lược của từng quốc gia, từng thời kỳ. Ví dụ, thuế tài nguyên là chiến lược ưu tiên xuất khẩu nguyên liệu tinh, hạn chế xuất khẩu thô. Khi so sánh một số sắc thuế cơ bản, quy định của Việt Nam cũng ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong thời gian vừa qua, thông qua chính sách tài khóa, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp miễn, giảm, giãn thuế nhanh và mạnh hơn so với lộ trình dự kiến, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển kinh tế.
Thông tin thêm về quản lý thu hồi nợ đọng thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, công tác này những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số thuế nợ đọng có xu hướng giảm dần, năm 2015 là 76,45 nghìn tỷ đồng, cuối năm 2016 còn 74,2 nghìn tỷ đồng, đến thời điểm 30/9/2017 là 73,9 nghìn tỷ đồng và đang phấn đấu còn 72 nghìn tỷ đồng. Công tác thu hồi nợ đọng thuế được phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cấp ủy chính quyền địa phương, các lực lượng thuế, hải quan, công an, thanh tra. Các địa phương đến nay đều có ban chỉ đạo về chống thất thu và hoạt động hiệu quả.
Tapchithue