Họp bàn kế hoạch hành động triển khai “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030”

Ngày 23/5/2022, Tổng cục Thuế đã tổ chức “Hội thảo về kế hoạch hành động triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn chủ trì Hội thảo.

Nhiều mục tiêu lớn được đặt ra

Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Chinh, Phó trưởng Ban Cải cách và hiện đại hoá, Tổng cục Thuế cho biết Chiến lược cải cách hệ thống thuế được xây dựng trên cơ sở định hướng, mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; các Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các chủ trương, định hướng lớn của Đảng có liên quan đến tài chính - NSNN và Chiến lược Tài chính đến năm 2030.

Mục tiêu Tổng quát của Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật thuế và chính sách miễn, giảm, bảo đảm tính trung lập của thuế.

Bên cạnh đó kế hoạch cũng đề ra mục tiêu xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp (DN).

Trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản gồm: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; CNTT hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.

Về quy mô thu ngân sách từ thuế, phí, bảo đảm duy trì tỷ lệ huy động vào NSNN từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý và phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn. Theo đó đến năm 2025, tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 13-14% GDP; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 85-86%. Trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ DN, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Về cải cách thể chế quản lý thuế được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, công khai minh bạch, công bằng, áp dụng quản lý rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế (NNT) tuân thủ tự nguyện. Cơ quan thuế có đủ năng lực quản lý thuế hiệu quả. Đội ngũ công chức thuế chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính. Hệ thống ứng dụng CNTT tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu xử lý thông tin cho quản lý thuế, công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan thuế và cung cấp dịch vụ điện tử, dịch vụ số cho NNT.

image

Toàn cảnh Hội thảo

Chiến lược đã đề ra 13 chỉ tiêu theo các lĩnh vực trọng yếu của công tác quản lý thuế và chia thành 5 nhóm mục tiêu cụ thể. Theo đó về mục tiêu hài lòng của NNT đến năm 2025 đạt tối thiểu 90% và đến năm 2030 đạt tối thiểu 95%.

Về cải cách thể chế quản lý thuế, 100% Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được bổ sung, ban hành mới đúng kế hoạch.

Đối với nhóm mục tiêu hỗ trợ sự tuân thủ tự nguyện của NNT, chiến lược cải cách thuế đề ra 4 chỉ tiêu chính đó là đến năm 2025, tỷ lệ hỗ trợ NNT được thực hiện qua phương thức điện tử đạt tối thiểu 70%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký thuế được cơ quan thuế giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ nhận được đạt tối thiểu 80%. Tỷ lệ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm thuế bằng phương thức điện tử của NNT là DN, tổ chức đạt tối thiểu 98%; của cá nhân đạt tối thiểu 85%. Tỷ lệ hồ sơ hoàn thuế, miễn, giảm thuế của NNT được cơ quan thuế giải quyết và trả kết quả đúng hạn đạt tối thiểu 98%.

Đối với nhóm giám sát mục tiêu tuân thủ mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ tổng tiền thuế nợ đến thời điểm 31/12 hàng năm so với số thuế và các khoản thu khác thuộc NSNN thu được trong năm không vượt quá 8% (trong đó phấn đấu tỷ lệ nợ đọng về thuế, phí dưới 5% tổng số thu NSNN). Tỷ lệ thu nợ có khả năng thu thời điểm 31/12 năm trước chuyển sang đạt tối thiểu 80%. Đến năm 2030 tỷ lệ tương ứng là 7% và 90%.

Đối với nhóm mục tiêu về CNTT, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đề ra 5 mục tiêu chính đó là xây dựng hệ thống CNTT tích hợp, tập trung và đáp ứng 100% nhu cầu về thu thập, xử lý, lưu trữ, khai thác dữ liệu cho công tác QLT và chỉ đạo điều hành của CQT, cung cấp dịch vụ điện tử cho NNT; 100% thông tin về khai thuế, nộp thuế điện tử được xử lý trong 24 giờ; 100% số tiền nộp thuế điện tử được hạch toán theo thời gian thực nộp; 100% NNT được cấp tài khoản tra cứu nghĩa vụ thuế và nộp thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động thông minh. Hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu xử lý truy cập từ xa cho 98% công chức có chức năng, nhiệm vụ phải xử lý công việc ngoài trụ sở CQT.

Cải cách mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá những cải cách của ngành Thuế trong thời gian qua đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Để làm rõ điều này, ông Tuấn dẫn chứng: Thứ nhất, ngành Thuế là ngành ứng dụng CNTT từ rất sớm, với mức độ rất lớn, rất bền bỉ và hiệu quả. Nếu như trước đây định kỳ tại các Cục Thuế, Chi cục Thuế người dân, DN phải xếp hàng nộp thuế thì nay với tỷ lệ khai, nộp thuế điện tử gần 100% hiện tượng này đã không còn. Thứ hai, ngành Thuế rất cầu thị, bền bỉ trong việc đối thoại với người dân và DN từ cấp quốc gia tới cấp địa phương. “Không có nhiều ngành có cách tiếp cận và có văn hoá như vậy. Qua những đối thoại này đã có nhiều khó khăn của DN được ghi nhận, nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ” – ông Tuấn nói. Thứ ba, dưới góc nhìn của DN, một điểm nổi bật của ngành Thuế trong hai năm dịch bệnh vừa qua chính là các chính sách hỗ trợ DN vượt qua đại dịch. Theo khảo sát của VCCI đối với các DN trên 63 tỉnh, thành phố, chính sách giảm, giãn, hoãn thuế đã được các DN tiếp cận với tỷ lệ cao nhất và được đánh giá cao nhất. Đây là dấu ấn thể hiện sự kịp thời, nhanh chóng của ngành Thuế trong công tác hỗ trợ DN.

image

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI tham luận tại Hội thảo

Đánh giá về những mục tiêu của ngành Thuế trong thời gian tới, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng “Những mục tiêu trong “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030” là rất tham vọng. Nó thể hiện cam kết rất cao của Bộ Tài chính, của Tổng cục Thuế trong việc cải cách hơn nữa lĩnh vực Thuế”.

Trong các mục tiêu được đặt ra, ông Tuấn ấn tượng nhất mục tiêu đến năm 2025, mức độ hài lòng của NNT đạt tối thiểu 90% và đến năm 2030 đạt tối thiểu 95%. Theo ông Tuấn, đây là mục tiêu rất lớn và tham vọng nhưng là mục tiêu rất quan trọng, thể hiện đích đến của ngành Thuế. Dưới góc nhìn của VCCI, hiếm có ngành nào lại có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến cộng đồng DN như ngành Thuế (từ các tập đoàn lớn tới các hộ kinh doanh nhỏ lẻ). Do vậy, cải cách của ngành Thuế dù lớn, dù bé đều mang tác động rộng lớn hơn so với các ngành khác. “Hi vọng rằng các mục tiêu cải cách của ngành Thuế tới năm 2030 sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa và cần đặt ra tiêu chuẩn có thể so sánh với các quốc gia hàng đầu trong khu vực để đáp ứng kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ”- Ông Tuấn nói.

Cùng với tham luận của đại diện đến từ VCCI, Hội thảo cũng lắng nghe một số tham luận của đại diện Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Cục Công nghệ Thông tin – Tổng cục Thuế cùng đại diện một số Cục Thuế địa phương. Các đại biểu cho rằng, để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu đã đặt ra trong “Chiến lược cải cách hệ thống Thuế đến năm 2030”, ngành Thuế cần quan tâm đến công tác, tuyển dụng, đào tạo cán bộ phù hợp với vùng miền, khu vực. Bộ máy ngành Thuế cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng tăng cường lãnh đạo cấp phó cho các Cục Thuế, Chi cục Thuế có quy mô lớn; thực hiện thêm chức năng thanh tra tại các Chi cục Thuế để nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý thuế….

Chính sách thuế phải dễ hiểu, dể thực thi

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, “Chiến lược cải cách hệ thống Thuế đến năm 2030” là 1 trong 9 chiến lược nhánh trong tổng thể chiến lược phát triển ngành Tài chính. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục thực hiện chương trình cải cách hệ thống thuế bao gồm cả chính sách và quản lý thuế.

Thứ trưởng đánh giá cao các đơn vị đã chủ động xây dựng chương trình hành động để triển khai Chiến lược này, đã xác định được nhiệm vụ cụ thể và phân công từng đơn vị tham gia; xác định được từng lộ trình cũng như kết quả đầu ra của từng hoạt động.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Xuân Hà yêu cầu, ngành Thuế cần tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 và các Đề án triển khai Chiến lược, đảm bảo các chính sách thuế đơn giản, rõ ràng minh bạch, xác định đúng đối tượng, không bỏ sót nguồn thu. Đối với các văn bản đã ban hành cần tiếp tục rà soát quy trình và quy chế. Nội dung nào cần sửa đổi bổ sung thì thực hiện ngay để hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN.

Đồng thời, Tổng cục Thuế cần lưu ý các các cải cách thuế cần gắn với hệ thống CNTT tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển nguồn nhân lực để có các lớp cán bộ kế cận để duy trì công cuộc cải cách trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, thời gian thực hiện chiến lược còn cả một chặng đường dài, trong bối cảnh tình hình kinh tế, dịch bệnh và địa chính trị trên thế giới liên tục có nhiều biến động khó lường, tác động đến kinh tế trong nước và ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Thuế hàng năm. Điều này tác động không nhỏ tới việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra tại Chiến lược.

Do đó, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu Ban cải cách và hiện đại hóa tiếp thu đầy đủ ý kiến tham luận hoàn chỉnh kế hoạch hành động triển khai chiến lược đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; tham mưu với Lãnh đạo Tổng cục phối với với Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính) để trình Bộ ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai Chiến lược tại cấp Tổng cục Thuế và cấp Cục Thuế, đảm bảo việc tổ chức triển khai Chiến lược được thống nhất, xuyên suốt, có hệ thống…

Theo Mof.gov.vn


Tin khác

Thông tin hữu ích
Thuế Nhà nước Tài chính điện tử Tủ sách lịch sử truyền thống ngành TC