Sửa đổi quy định về xóa nợ thuế: Giảm nợ ảo cho ngân sách nhà nước

Tính đến hết năm 2017, tổng các khoản nợ thuế không thể thu hồi là 35.347 tỷ đồng, chiếm gần 44,9% tổng số nợ thuế mà nguyên nhân không nhỏ bắt nguồn từ những vướng mắc trong việc xóa nợ thuế. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Tài chính đã đề xuất, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt không có khả năng thu hồi.

Vướng mắc trong việc xóa nợ thuế

Đại diện, Bộ Tài chính cho biết, các trường hợp được khoanh nợ, xóa nợ đã được quy định khá rõ trong Luật Quản lý thuế năm 2007. Tuy nhiên qua rà soát, tổng hợp cho thấy giải pháp xóa nợ thuế chưa bao quát được hết thực trạng sản xuất kinh doanh (SXKD) cũng như chưa phản ánh và xử lý được các vướng mắc trong công tác quản lý nợ thuế. Cụ thể từ năm 2007-2013, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn khiến hoạt động SXKD bị ngưng trệ, hàng tồn kho tăng cao. Không ít DN trong số đó đã không vượt qua được khó khăn phải giải thể, phá sản trong khi số nợ thuế của DN phát sinh trước thời điểm mất khả năng thanh toán, ngừng kinh doanh liên tục tăng cao do phát sinh tiền phạt chậm nộp thuế với mức 0,05%/ngày, khoảng 18,3%/năm.

Một nguyên nhân khác là nhiều người nộp thuế (NNT) cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời, dẫn đến nợ thuế kéo dài. Bên cạnh đó, nhiều DN bị đối tác phá bỏ hợp đồng kinh tế, hoặc phải vay các tổ chức tín dụng với lãi suất cao hoặc các hợp đồng tín dụng đã ký nhưng không được giải ngân dẫn đến tăng chi phí. Trong những trường hợp này, mặc dù nhiều NNT đã tuân thủ pháp luật, nỗ lực nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý thu nợ thuế theo quy định, nhưng do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan ngoài ý muốn, các đơn vị vẫn còn nợ tiền chậm nộp thuế. Số nợ chậm nộp này phải hạch toán vào thu nhập sau thuế càng khiến DN chịu lỗ kéo dài, dẫn đến giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 3 điều 65 Luật Quản lý thuế thì khoản nợ thuế đã quá 10 năm, cơ quan thuế đã thực hiện tất cả các biện pháp cưỡng chế nợ thuế nhưng không thu được thì thuộc trường hợp xóa nợ.Nhưng tính đến thời điểm hiện tại chưa có trường hợp nào được xóa nợ. Nguyên nhân là do nhiều DN đã được Sở Kế hoạch và đầu tư cho phép giải thể và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước khi cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế nên không thể xóa nợ thuế. Cũng theo Điều 65 của Luật Quản lý thuế, NNT đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản để nộp thuế (có xác thực của UBND xã, phường thị trấn nơi cư trú) thì thuộc trường hợp được xóa nợ thuế. Nhưng thực tế không có cơ quan Nhà nước nào chịu trách nhiệm xác nhận cá nhân chết, mất tích còn tài sản hay không. Kể cả trường hợp, cá nhân đã chết còn tài sản thì quyền sử dụng sẽ thuộc về những thành viên còn lại trong gia đình và có thể tài sản chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt thông thường. Bởi vậy, nếu cơ quan thuế thực hiện kê biên, bán đấu giá tài sản sử dụng chung của gia đình để thu hồi tiền thuế nợ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân những người phụ thuộc đó.

Đề xuất những trường hợp được xóa nợ

Từ những bất cập trong công tác quản lý và để giảm nợ “ảo” cho ngân sách, Bộ Tài chính đã đề nghị xóa nợ đối với một số khoản không có đối tượng để thu và không có khả năng thu hồi. Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị xóa nợ tiền chậm nộp đối với NNT cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán. Số tiền chậm nộp đề nghị xóa trong diện này khoảng trên 542 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng nêu đề xuất xóa nợ tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2018 của NNT gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng như: cơ quan quản lý nhà nước chậm trả lời, chậm thông báo, thay đổi quy hoạch, kế hoạch làm ảnh hướng đến kết quả SXKD của NNT; DN Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu chưa thực hiện giảm vốn Nhà nước khi xác định giá trị DN. Đối tác trong nước hoặc nước ngoài phá sản. Tổng số nợ do những nguyên nhân trên tính đến thời điểm 31/12/2017, ước khoảng 1.700 tỷ đồng.

Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do NNT đã giải thể (trừ trường hợp giải thể để chia tách, sát nhập chuyển đổi), phá sản hoặc chấm dứt hoạt động SXKD trước ngày 1/1/2017 cũng được cơ quan chức năng đề xuất xóa nợ tiền thuế. Số nợ tiền thuế, chậm nộp, phạt đề nghị xóa với các DN và cá nhân, hộ kinh doanh trong diện khoảng 24.302 tỷ đồng. Như vậy với đề xuất nêu trên tổng số tiền thuế, chậm nộp, đề nghị xóa ước khoảng 26.500 tỷ đồng.

Để đảm bảo chặt chẽ trong việc xóa nợ thuế, Bộ Tài chính yêu cầu cơ quan quản lý thuế cần phối hợp với cơ quan thanh tra, tư pháp, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính và các sở chuyên ngành tổ chức kiểm tra tình hình thực tế không còn khả năng nộp ngân sách của DN thông qua tài khoản ngân hàng, tài sản công nợ; thực tế không còn hoạt động SXKD… và lập hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị quy định chế tài trong 2 năm tiếp theo kể từ ngày xóa nợ thuế, chủ sở hữu DN, người sáng lập DN, người đại diện theo pháp luật không được thành lập DN mới, không được kinh doanh, trừ trường hợp NNT thực hiện nộp đủ số thuế theo quyết định xóa nợ vào NSNN.

Bên cạnh việc xóa nợ, Bộ Tài chính kiến nghị khoanh nợ từ ngày 01/01/2018 đối với NNT nợ tiền thuế đã ngừng hoạt động SXKD 01 năm, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy phép thành lập, hoạt động và hành nghề. Cơ quan quản lý thuế sẽ thực hiện tính tiền chậm nộp và thu vào ngân sách khoản tiền chậm nộp trên khi NNT quay trở lại SXKD.

Về thẩm quyền xử lý, Bộ Tài chính đề xuất, Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ đối với trường hợp NNT nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp từ 10 tỷ trở lên. Tương tự, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ đối với các khoản từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng và Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ đối với các khoản dưới 5 tỷ đồng. Đối với hộ kinh doanh, Chủ tịch UBND các tỉnh, Tp trực thuộc TW sẽ quyết định xóa nợ thuế trên cơ sở đề nghị của cơ quan thuế và sự phối hợp của cơ quan đăng ký kinh doanh, UBND xã, phường nơi có cá nhân kinh doanh đã chấm dứt hoạt đồng.

Theo dự kiến, Nghị quyết về xóa nợ thuế sẽ được trình Quốc hội khóa 14 xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành kể từ 1/7/2018.

Theo Mof.gov.vn


Tin khác

Thông tin hữu ích
Thuế Nhà nước Tài chính điện tử Tủ sách lịch sử truyền thống ngành TC