Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích nổi bật của ngành Thuế
Ngày 31/1/2018, tham dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác thuế Nhà nước năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Thuế.
5 kết quả nổi bật của ngành Thuế
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra 5 kết quả nổi bật của ngành Thuế trong năm 2017, cụ thể:
Thứ nhất, thu ngân sách nhà nước (NSNN) lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, có 62/63 địa phương có số thu trên 1.000 tỷ đồng, 38 địa phương có số thu trên 5.000 tỷ đồng (tăng thêm 16 địa phương so với năm 2015).
Thứ hai, tỷ trọng thu nội địa 2 năm 2016-2017 chiếm khoảng 76,2% trong tổng thu NSNN, cao hơn nhiều so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (chiếm khoảng 68%).
Thứ ba, hiện đại hóa ngành Thuế, nhất là quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thông qua thực hiện rộng rãi và nâng cao chất lượng khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, đồng thời chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong quản lý thuế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Thứ năm, đội ngũ cán bộ công chức đã có nhiều bước trưởng thành, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu thích ứng với yêu cầu của đổi mới, hội nhập.
Trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN; Phấn đấu tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội giao.
Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa; Bảo đảm tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26%, tỷ trọng chi thường xuyên 64,1% trong tổng chi NSNN.
Thủ tướng thăm Trung tâm giám sát hệ thống Công nghệ thông tin Tổng cục Thuế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cần cần tiếp tục nâng cao chất lượng nhân lực ngành Thuế, chú trọng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ công chức. Thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ, đào tạo cán bộ, bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ.
Tổng cục Thuế cần tham mưu, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về thuế và quản lý thuế đáp ứng yêu cầu của đổi mới và hội nhập. Bảo đảm chính sách được xây dựng ổn định, toàn diện, có sức sống, tránh tình trạng thay đổi quá nhanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân và phải tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Xây dựng chính sách phải lấy người nộp thuế làm trung tâm, đối tượng phục vụ, quan tâm bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Khi thiết kế chính sách thuế chú trọng mở rộng cơ sở thuế thay vì tăng thuế suất ngay cả khi bắt buộc phải tăng thuế suất thì phải kết hợp hài hòa với mở rộng cơ sở thuế.
Cùng với đó, tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, lĩnh vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế, gây mất công bằng, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn. Tiến tới sớm hơn nữa thực hiện thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh sử dụng các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ khi bán hàng hóa, dịch vụ.
Đề xuất giải pháp làm sao bao quát có nguồn thu, tránh thất thu, thu sót, lưu ý các lĩnh vực để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam: Chuyển nhượng vốn, cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế chia sẻ. Sớm triển khai Đề án quản lý thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, mở rộng cơ sở thuế đối với kinh tế tư nhân...
Đồng thời, nâng cao năng lực dự báo, đánh giá tác động của chính sách thuế, chuẩn hóa hệ thống cơ sở dữ liệu thuế và thường xuyên tổ chức đối thoại với người nộp thuế. Cần đưa ra những tiêu chí cụ thể để đánh giá từng cục, từng đơn vị, từng cán bộ dựa trên kết quả cụ thể, nhiệm vụ cụ thể để chúng ta cải cách đổi mới.
Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu ở một bộ phận cán bộ thuế. Ngành Thuế nên đưa ra thông điệp “Cán bộ ngành thuế nói không với tiêu cực”. Đi liền với đó là kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành những cán bộ, công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất...